Úc vạch chiến lược 4 giai đoạn để thoát khỏi ‘bóng ma’ Covid-19
Khánh Lan
(KTSG Online) - Thay vì đợi đến lúc đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng mới bắt đầu tái mở cửa biên giới, Úc đang lên kế hoạch thử nghiệm áp dụng thời gian cách ly ngắn hơn đối với du khách nước ngoài đã được tiêm vaccine Covid-19 và dần đón du học sinh nước ngoài trở lại. Đó là một phần của chiến lược 4 giai đoạn mà nội các Úc vừa nhất trí hôm 2-7 nhằm đưa cuộc sống ở xứ sở chuột túi trở về trạng thái bình thường.
Đường phố ở Sydney vắng vẻ sau khi thành phố này và các khu vực lân cận bước vào đợt phong tỏa kéo dài 2 tuần bắt đầu từ ngày 26-6 để ngăn chặn đà lây lan của biến thể Delta. Ảnh: AFP |
Nới lỏng biên giới dần dần
Trong giai đoạn đầu tiên của chiến lược này, một số du khách nhất định, bao gồm những công dân Úc đang mắc kẹt ở nước ngoài đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, sẽ được phép nhập cảnh và sau đó chịu cách ly 7 ngày tại nhà, thay vì 14 ngày tại khách sạn với chi phí tự chi trả. Một lượng du học sinh hạn chế cũng sẽ được phép đến Úc để học hành như là một phần của cuộc thử nghiệm nới lỏng biên giới.
Giám đốc Y tế Úc, Paul Kelly nói rằng biện pháp cách ly tại nhà sẽ giúp cộng đồng an toàn hơn vì họ sẽ không tiếp xúc với nhiều khác, chẳng hạn như nhân viên khách sạn.
Ở giai đoạn 2 của chiến lược, các lệnh phong tỏa chỉ được sử dụng trong các trường hợp nguy cấp, chẳng hạn để ngăn chặn tình trạng quá tải ở các bệnh viện. Các biện pháp kiểm soát biên giới cũng sẽ được nới lỏng hơn cho những người đã được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19.
Giai đoạn 3 sẽ chứng kiến việc bãi bỏ mức trần hạn chế số du khách đã được tiêm vaccine đầy đủ đến Úc và nhiều thỏa thuận bong bóng du lịch được ký kết với các nước trong khu vực như Singapore. Ở giai đoạn này, Úc sẽ không áp đặt lệnh phong tỏa nữa.
Ở giai đoạn 4, Úc sẽ quản lý dịch bệnh Covid-19 như các bệnh truyền nhiễm thông thường khác. Du khách đã được tiêm vaccine Covid-19 sẽ không bị cách ly nữa, đồng thời những người chưa tiêm vaccine cũng được phép đến Úc với điều kiện họ phải tiến hành xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành và sau khi đến Úc.
Giai đoạn 1 đang được thực hiện nhưng chính phủ Úc vẫn chưa đặt ra mốc thời gian cụ thể để thực hiện các giai đoạn tiếp theo của chiến lược trên. Thủ tướng Morrison kỳ vọng giai đoạn 2 sẽ được triển khai vào đầu năm sau.
Các bước đi trên của Úc cho thấy sự thay đổi trong tư duy chống dịch khi Úc và một số nước khác, những nơi có số ca nhiễm thấp, chuẩn bị cho một tương lai khi Covid-19 trở thành một bệnh dịch ít đe dọa hơn, chẳng hạn giống bệnh cúm mùa.
Chiến lược Covid-19 hiện tại của Úc dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và truy vết tiếp xúc quyết liệt, bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và giãn cách xã hội khi các cơn bùng phát dịch xuất hiện.
Thủ tướng Úc, Scott Morrison cho biết, kế hoạch 4 giai đoạn nhằm tái mở cửa biên giới hoàn toàn và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế đối người dân có thể thúc đẩy nhanh nếu ngày càng có nhiều người dân trong nước được tiêm vaccine Covid-19.
Chính phủ Úc dự định đặt ra ngưỡng tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho mỗi giai đoạn và giới chức trách y tế đang đánh giá tốc độ lây lan của biến thể Delta sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lộ trình tái mở cửa biên giới dần dần này. Thủ tướng Morrison nói rằng rủi ro đang gia tăng từ biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 buộc Úc phải cắt giảm 50% số người được phép đến nước này trên các chuyến bay thương mại mỗi tuần, bắt đầu từ ngày 14-7 tới, từ 6.070 xuống 3.035 người.
Giới chuyên gia y tế lo ngại Úc mở cửa quá sớm
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lo ngại rằng chính phủ Úc thúc đẩy tái mở cửa biên giới quá sớm khi nước này chỉ mới tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Covid-19 cho khoảng 6% dân số và biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng giữa lúc giới khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ về nó. Úc không có đủ nguồn cung vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ Úc sẽ không thể đạt mục tiêu vaccine cho tất cả người dân ở độ tuổi trưởng thành vào cuối năm nay.
Bác sĩ Jaya A.R. Dantas, Giáo sư chuyên ngành Sức khỏe Quốc tế của Đại học Curin ở TP Perth, Úc, nói: “Chúng ta cần phải thực sự thận trọng vì chúng ta vẫn chưa biết biến thể Delta đang đột biến như thế nào”.
Biến thể Delta đã xuất hiện tại ít nhất 98 nước bao gồm Mỹ và đang tiếp tục đột biến, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tedros Adhanom Gebreyesus, cho hay.
220 người ở bang New South Wales, nơi 8 triệu dân sinh sống, đã nhiễm biến thể này kể từ khi nó xuất hiện hồi giữa tháng 6.
Các thành phố ở các bang và lãnh thổ khác của Úc đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội sau khi một người đàn ông, làm việc ở một mỏ vàng ở sa mạc Tanami ở Lãnh thổ Bắc Úc, nhiễm biến thể Delta. Chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc cho biết người đàn ông nhiễm bệnh khi lưu trú tại một khách sạn cách ly ở TP Brisbane, bang Queensland. Hơn 900 người đã rời mỏ vàng này đến đi đến các thành phố khác trên khắp nước Úc sau khi ca nhiễm trên được phát hiện.
“Chúng ta vẫn cần chấn chỉnh hệ thống cách ly để không phải tiếp tục chứng kiến các lỗ hổng và các biện pháp phong tỏa, trong khi phần lớn người dân Úc vẫn chưa được tiêm chủng”, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, Omar Khorshid, nói.
Đối với các lãnh đạo của Úc, bất kỳ động thái nào nhằm rút lại dần các biện pháp kiểm soát biên giới cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro chính trị trước cuộc bầu cử liên bang được tiến hành trong vòng 1 năm tới. Một cuộc khảo sát do JWS Research thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy, 61% người dân Úc nói rằng nên đóng cửa biên giới với bất kỳ bang nào có 25 ca nhiễm hoặc ít hơn.
Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới giữa các bang và thế giới bên ngoài đang kìm hãm tốc độ phục hồi kinh tế của Úc, gây tổn thương nặng nề cho những cộng đồng có nền kinh tế phụ thuộc vào du khách hoặc du học sinh.
Chẳng hạn, các trường đại học ở Úc đã cắt giảm 17.000 việc làm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.91-divoc-am-gnob-iohk-taoht-ed-naod-iaig-4-coul-neihc-hcav-cu/589713/nv.semitnogiaseht.www