Ngày 3-7, Bộ Giáo dục Đức cho biết đang đầu tư 28,4 triệu USD vào một dự án kéo dài từ năm 2017 đến năm 2024 nhằm xây dựng nền tảng kiến thức của riêng nước này về Trung Quốc, đồng thời tăng cường “năng lực độc lập về Trung Quốc” trong các trường đại học và viện nghiên cứu của mình, tờ South China Morning Post đưa tin.
Theo tuyên bố của cơ quan này, dự án trên trên nhằm hỗ trợ việc hợp tác khoa học và nghiên cứu với Trung Quốc "dựa trên các giá trị châu Âu", được đưa ra trong bối cảnh Berlin đang tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh tại các trường đại học của nước này.
Đức kêu gọi các trường đại học cắt đứt quan hệ với Viện Khổng Tử Trung Quốc. Ảnh: AFP
Bộ trưởng Giáo dục Đức Anja Karliczek hôm 3-7 cho biết Đức vẫn muốn hợp tác với Bắc Kinh và cần thêm nhiều nhân tài am hiểu văn hóa, ngôn ngữ, xã hội và lịch sử Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Karliczek lưu ý rằng Đức cần thúc đẩy những nỗ lực trên một cách độc lập, đồng thời kêu gọi các trường đại học cắt đứt hợp tác với Viện Khổng Tử, một đối tác giáo dục do nhà nước tài trợ cung cấp các khóa học về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
“Tôi không muốn chính phủ Trung Quốc ảnh hưởng đến các trường đại học và xã hội của chúng ta. Chúng ta đã để lại quá nhiều không gian cho các Viện Khổng Tử và làm quá ít để xây dựng năng lực độc lập về Trung Quốc ở Đức" – bà Karliczek nói.
“Chúng ta có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, cũng như lợi ích chung trong các lĩnh vực như bảo vệ khí hậu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề một cách cởi mở: chúng ta đang trong một cuộc cạnh tranh có hệ thống với Trung Quốc” – bà Karliczek nhấn mạnh.
“Chúng tôi muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh này trên cơ sở bình đẳng và cùng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Để đạt được mục tiêu này, cần đảm bảo rằng các công ty của chúng ta có đủ nguồn nhân lực từ Đức biết đất nước, con người và ngôn ngữ để hợp tác với Trung Quốc” – bà Karliczek nói thêm.
Bắt đầu từ năm 2006, 19 Viện Khổng Tử đã được thành lập trên khắp nước Đức, ít nhất hai trong số đó đã bị đóng cửa do lo ngại về "ảnh hưởng chính trị và rò rỉ thông tin".
Trong khi đó, các Viện Khổng Tử còn lại vẫn tiếp tục hoạt động và một số trường đại học Đức trước đây đã bảo vệ các viện này trước những cáo buộc là công cụ để Bắc Kinh thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Hiện có hơn 500 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nhiều viện trong số đó ở các nước như Mỹ, Canada, Úc và Thụy Điển đã phải đóng cửa do nghi ngờ đóng vai trò trong việc thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh.
Động thái trên của Đức được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang gia tăng. Liên minh châu Âu (EU) ngày càng chỉ trích các chính sách của Trung Quốc liên quan Hong Kong và Tân Cương, cũng như đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc.
Đáp trả, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với các chính trị gia, nhà ngoại giao và nhà nghiên cứu châu Âu.
Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 đã quyết định từ chối xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU - Trung Quốc.
Theo South China Morning Post, cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới có thể báo trước một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Berlin đối với Trung Quốc.
Thủ tướng Angela Merkel, một người ủng hộ hàng đầu đối với việc can dự với Bắc Kinh, dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ và bà Annalena Baerbock - ứng cử viên Đảng Xanh cho vị trí thủ tướng - đã kêu gọi một chính sách “đối thoại và cứng rắn” đối với Trung Quốc.