Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân ở lại nhà máy chống dịch tại Bình Dương - Ảnh: B.S.
Theo lịch trình, lẽ ra hôm nay đoàn sẽ xuất phát nhưng theo ông Văn, việc dời lịch là để đoàn và tỉnh Bình Dương trao đổi, tính toán kỹ các nội dung sao cho việc hỗ trợ thật hiệu quả.
"Chúng tôi đã trao đổi trực tiếp với giám đốc Sở Y tế Bình Dương và thống nhất đoàn sẽ vào hỗ trợ khi việc tổ chức đã ổn thỏa. 350 cán bộ, giáo viên, sinh viên phân ra bao nhiêu tổ, bố trí, tiếp nhận như thế nào, trường và Bình Dương đang làm việc với nhau" - ông Văn nói.
Ông Văn chia sẻ đoàn đã có kinh nghiệm đi hỗ trợ chống dịch ở Bắc Ninh vừa qua, với 3 đoàn đến hỗ trợ Bắc Ninh trong 10 ngày.
"Trước khi đoàn đi Bắc Ninh tôi đã đến tận nơi, xem địa phương cần chuyên môn nào, tổ chức thế nào... vì thế số lượng thành viên trong đoàn chúng tôi đi không đông nhưng hỗ trợ rất hiệu quả. Sau khi hỗ trợ chống dịch, tỉnh Bắc Ninh còn đề nghị đào tạo thêm cho cán bộ y tế cơ sở" - ông Văn thông tin.
Với Bình Dương, qua trao đổi điện thoại, tỉnh đề nghị hỗ trợ 350 người, trong đó cần 50 điều dưỡng vào làm việc tại các cơ sở điều trị, 300 người tham gia truy vết dịch tễ và lấy mẫu. Hiện việc phối hợp trao đổi để các công việc hậu cần cho đoàn được tiến hành gấp rút.
Trả lời câu hỏi Bình Dương hiện có thiếu cán bộ y tế, việc trường đưa sinh viên vào có đảm bảo về chuyên môn hay không, ông Văn cho biết được thông báo là thiếu. Về thành phần tham gia đoàn, tùy theo nhu cầu của Bình Dương trường sẽ đáp ứng.
"Đoàn của chúng tôi đi lần này đều là những người có kinh nghiệm, có đội vừa tham gia chống dịch ở Bắc Ninh về lại xung phong đi tiếp, kèm theo một số người mới nhưng sẽ được phân bổ theo hướng trộn đều mới với cũ. Tất cả các thành viên của đoàn đều đã được tiêm chủng 2 mũi vắc xin" - ông Văn chia sẻ.
Ông Văn cho biết khi tập huấn cho các thành viên trong đoàn vào ngày 3-7 đã có nói mỗi địa phương có điều kiện, cách tổ chức khác nhau. Ở Bình Dương xa hơn nên đòi hỏi từng thành viên phải tổ chức công việc độc lập hơn, các bạn phải chấp nhận khó khăn, không đòi hỏi, đến Bình Dương với tinh thần của người trong cuộc: địa phương cần gì, kể cả trang thiết bị y tế, mình có khả năng cung cấp đến đâu... để hỗ trợ được tốt nhất.
Thời gian cao điểm dịch tại Bắc Ninh và Bắc Giang, Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) đã tổ chức đăng ký tình nguyện hỗ trợ các địa phương có dịch. Cao điểm có 2.200 - 2.500 y, bác sĩ và học viên y khoa từ nhiều tỉnh thành đến hỗ trợ Bắc Giang.
Thời điểm nóng bức nhất ở miền Bắc, y bác sĩ và sinh viên tình nguyện chịu nóng bức tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân và được đánh giá là đã đóng góp vào kết quả chống dịch nói chung.
TTO - Chiều 1-7, Bình Dương ghi nhận thêm 42 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca ghi nhận trong ngày lên 90 ca, là ngày có số ca nhiễm tăng kỷ lục.
Xem thêm: mth.26283218040701202-couc-gnort-iougn-naht-hnit-iov-gnoud-hnib-id/nv.ertiout