Công nhân ở lại trong một nhà máy tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để tránh lây lan COVID-19 - Ảnh: B.S.
Không chỉ áp dụng kinh nghiệm của địa phương bạn đã trải qua, một số nơi còn sáng tạo thêm giải pháp ứng phó để nhanh hơn con virus, không để "nước ngập chân mới nhảy".
Doanh nghiệp làm xét nghiệm nhanh
Tại Đồng Nai, ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh này cho biết từ khi xảy ra dịch COVID-19, tỉnh đã đánh giá nguy cơ dịch lây lan vào các khu công nghiệp rất lớn nên đã lưu ý các doanh nghiệp hợp tác với chính quyền chống dịch, vừa để bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp vừa bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Ông Phan Huy Anh Vũ - giám đốc Sở Y tế tỉnh này - cho biết từ đợt dịch thứ 4, tỉnh đã xin Bộ Y tế cho thí điểm để các doanh nghiệp tự làm test nhanh, ngành y tế có trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp.
"Nếu trước đây doanh nghiệp chỉ lấy mẫu xét nghiệm gửi về cơ sở y tế, nay doanh nghiệp test mẫu, đánh giá nguy cơ ngay tại nhà máy để có cảnh báo sớm, giảm thiểu nguy cơ và giảm tải cho ngành y tế.
Ngành y tế Đồng Nai có 8.000 nhân viên, không đủ nhân lực và thời gian để tầm soát cho hơn 1 triệu công nhân. Với cách làm thí điểm này, chúng tôi đánh giá đang mang lại hiệu quả" - ông Vũ chia sẻ.
Vài ngày tới, khi Đồng Nai áp dụng quy định công nhân từ TP.HCM, Bình Dương qua Đồng Nai làm việc hằng ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính, ông Đặng Tuấn Tú - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Changshin VN (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) - cho biết công ty đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Đồng Nai để làm xét nghiệm cho công nhân.
Mặt khác, để kịp tiến độ, các công nhân có thể làm xét nghiệm bên ngoài, công ty sẽ thanh toán lại.
Đo thân nhiệt: xưa rồi!
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đến ngày 3-7 số ca mắc COVID-19 tại "thủ phủ công nghiệp" này đã là 542 ca, trong đó có quá nửa là công nhân. Các ca dương tính đã lan ra gần 40 nhà máy, xí nghiệp và hàng chục nhà trọ công nhân...
Nếu như trước đây, biện pháp chống dịch phổ biến trong các nhà máy tại Bình Dương là đo thân nhiệt, sát khuẩn, khai báo y tế trước khi vào nhà máy thì nay nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án bố trí chỗ ở và vận động cho công nhân ở lại ngay trong khuôn viên nhà máy.
Tại Công ty cổ phần Trần Đức, chuyên sản xuất gỗ ở phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, công ty vận động hàng trăm công nhân ở lại luôn trong nhà máy và hứa bố trí chỗ ăn nghỉ, tăng phụ cấp, hỗ trợ bữa ăn cho công nhân.
"Nếu số lượng đăng ký vượt trên 80% tổng số lao động, những ai không đăng ký sẽ được tạm thời cho ở nhà, chờ hết dịch đi làm lại để tránh lây nhiễm cho những lao động ở lại nhà máy" - đại diện công ty cho biết.
Với nhiều chính sách hỗ trợ và tôn trọng người lao động, video ghi lại đoạn trao đổi của lãnh đạo Công ty cổ phần Trần Đức với công nhân thậm chí còn gây "bão like" với nhiều lời khen ngợi trên mạng xã hội.
Tại chi nhánh Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (thị xã Tân Uyên), công ty bố trí hàng trăm lều làm chỗ ngủ riêng biệt cho mỗi công nhân ở lại nhà máy...
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho rằng dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh vẫn thu hút được nhiều dự án đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư, doanh nghiệp có đơn hàng nên rất cần duy trì sản xuất để đảm bảo hợp đồng với các đối tác.
Các doanh nghiệp có đủ khuôn viên, cơ sở vật chất... hỗ trợ và vận động người lao động ở lại nhà máy là xu hướng, là một trong những giải pháp tốt để phòng chống dịch.
Chống dịch để cuối năm còn có lương thưởng
Trong khi đó, ông Đặng Tuấn Tú cho hay công ty với hơn 40.000 công nhân lao động, trong đó khoảng 2.000 lao động từ Bình Dương - nơi bùng phát dịch - qua làm việc.
Chỉ cần toàn bộ công ty tạm dừng hoạt động trong 20 ngày xem như mất thu hoạch của cả năm, kéo theo chế độ phúc lợi, lương thưởng của công nhân bị cắt giảm theo.
"Từ tháng này trở đi lượng đơn hàng rất cao, áp lực phải hoàn thành kế hoạch từ nay đến cuối năm rất lớn. Do đó, việc đảm bảo an toàn sản xuất là ưu tiên số 1. Đơn hàng nhận rồi, tăng hơn so với năm trước, vì vậy không để cho sản xuất bị gián đoạn" - ông Tú nói.
Ông Tú cho biết để ổn định sản xuất công ty đã xây dựng một số phương án dự phòng cho các tình huống xấu có thể xảy ra.
Trong đó, có mô hình cách ly F1, F2 tại công ty, với mô hình lều bạt như Bắc Giang đã làm. Công ty đã chuẩn bị trang thiết bị, cần thiết là có thể làm liền. Ngoài ra các kế hoạch tăng ca khi một vài chuyền bị đứt gãy cũng đã được tính đến.
"Bản thân doanh nghiệp cũng thấy được điều này nên hợp tác với chính quyền địa phương chống dịch. Họ muốn an toàn trong lúc dịch bệnh bùng phát vì lo đứt gãy chuỗi sản xuất của chính họ" - ông Phan Huy Anh Vũ nhận định.
Lấy mẫu xét nghiệm diện rộng ở khu vực huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai ngày 3-7 - Ảnh: MINH ĐĂNG
Chăm chút, giữ chân người lao động
Tại Công ty TNHH Earth Corporation VN (Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, Bình Dương), tất cả người lao động ở lại công ty làm việc được "lì xì" 5 triệu đồng, được ăn bốn bữa mỗi ngày (trong đó có ăn nhẹ giữa ca).
Các chế độ lương, thưởng, tăng ca... đều được công ty duy trì đầy đủ. Ngày chủ nhật, công nhân được nghỉ ngơi ngay tại công ty.
Bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết công nhân phải ngưng việc để điều trị COVID-19, nhà máy đóng cửa, Liên đoàn Lao động hỗ trợ công đoàn viên 3 triệu đồng/ca F0, 1,5 triệu đồng/ca F1...
Tại Công ty TNHH Changshin VN, có hơn 300 công nhân trong các khu vực đang phong tỏa tại thị xã Tân Uyên được cho nghỉ nhưng công ty vẫn trả lương bình thường.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Cần lập ban điều hành chống dịch vùng TP.HCM
Biến chủng Delta hiện nay lây lan rất nhanh qua đường không khí và không theo địa giới hành chính... nên việc kiểm soát dịch bệnh và chiến lược tiêm vắc xin cũng cần quan tâm đến yếu tố vùng.
Vùng TP.HCM gồm: TP.HCM và 7 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang.
Hiện nay vùng TP.HCM có gần 19 triệu dân, chiếm 21% dân số cả nước. Dự báo kinh tế vùng TP.HCM đóng góp 41,8% GDP, hơn 51% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 40% tổng thu ngân sách quốc gia.
Các tỉnh trong vùng có mật độ dân số đông, "láng giềng gần", giao thương, giao dịch rất lớn là môi trường lây dịch bệnh rất nhanh.
Do vậy, nếu để lây nhiễm ở bất kỳ tỉnh thành nào trong vùng cũng sẽ làm đứt gãy chuỗi sản phẩm liên kết, thất thu kim ngạch xuất khẩu, mất đơn hàng, mất uy tín thương mại quốc tế.
Dịch chưa kết thúc trong thời gian gần, vì vậy việc rất quan trọng hiện nay là các tỉnh thành phải cùng ngồi lại bàn liên kết trong kiểm soát dịch và chiến lược tiêm vắc xin cho cả vùng. Để làm việc này, cần có ban điều hành chống dịch vùng với các bộ ngành và chủ tịch các tỉnh thành liên quan.
Thông qua ban điều hành, các tỉnh thành phải thông tin cho nhau liên tục các giải pháp giãn cách và diễn biến dịch, phối hợp chống dịch ở những điểm giáp ranh giữa các địa phương; hệ thống y tế trang thiết bị, y phẩm, nhất là vắc xin phải mang tính vùng, tập trung những nơi dễ phát sinh ổ dịch lây nhiễm nhanh.
T.LONG ghi
TTO - Có một ca mắc COVID-19 trong số hàng ngàn công nhân Công ty Luxshare ICT tại KCN Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang đi xét nghiệm ngày 29-6.
Xem thêm: mth.45745408040701202-hcid-court-nahn-gnoc-ev-oab-aud-yahc/nv.ertiout