Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đi thăm một điểm tiêm chủng tạm ở Las Vegas, bang Nevada, ngày 3-7-2021 - Ảnh: REUTERS
Các con số thống kê cập nhật đến ngày 4-7 (giờ Việt Nam) của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy đến thời điểm này, có 54,9% người Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 47,3% tiêm đủ liều.
Theo các chuyên gia, khi có từ 70-90% dân số tiêm phòng COVID-19, số ca bệnh nhập viện, tử vong và nguy cơ bùng phát ổ dịch sẽ giảm đáng kể.
Hiệu quả của vắc xin rất rõ ràng. Theo CDC, các loại vắc xin sử dụng ở Mỹ gần như hiệu quả 100% trong việc giảm các ca bệnh nặng và tử vong. Số liệu cho thấy 99% trong số 18.000 người chết do COVID-19 trong tháng 5-2021 ở Mỹ là người chưa tiêm vắc xin.
Ngoài ra, xu hướng nhiễm COVID-19 ở trẻ em đang tăng lên. Theo báo USA Today, thời điểm tháng 3-2020, trẻ em chỉ chiếm 2% trong số các ca nhiễm mới nhưng ở thời điểm tháng 5-2021, trẻ em chiếm 24% trong số các ca bệnh mới hằng tuần trong khi tỉ lệ trẻ em trong dân số Mỹ chỉ là 16%.
Các chuyên gia cảnh báo những con số trên càng cho thấy những ai đủ điều kiện tiêm (từ 12 tuổi trở lên) cần nhanh chóng tiêm vắc xin để tránh mang virus về nhà và làm lây bệnh những người chưa đủ tuổi tiêm chủng.
CDC Mỹ cũng khẳng định sự xuất hiện và lan rộng của các biến thể mới có khả năng ảnh hưởng đến tiến trình chấm dứt đại dịch COVID-19.
Chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ sẽ còn tiếp tục trong nhiều tháng nữa và tăng tỉ lệ tiêm chủng lên cao là rất quan trọng trong bối cảnh biến thể Delta đang ngày càng lây lan rộng. Các chuyên gia cho biết biến thể này dường như gây ra nhiều ca bệnh có triệu chứng hơn so với chủng virus gốc.
Tờ Politico cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng các mục sư, những người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng có thể giúp quảng bá vắc xin COVID-19 đến giáo dân ở những khu vực có tỉ lệ tiêm vắc xin thấp.
Tuy nhiên, không dễ như bỏ tiền mua vắc xin, thuyết phục người phản đối vắc xin đi tiêm khó hơn nhiều. Nhiều mục sư cho biết họ đã mất nhiều cộng đồng do lên tiếng ủng hộ các biện pháp hạn chế phòng bệnh trước đây (như ở nhà, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người). Các mục sư cũng nhận định họ sẽ càng mất nhiều cộng đồng hơn nếu ủng hộ tiêm chủng.
Một số mục sư cho biết giáo dân phản đối vắc xin gay gắt đến nỗi chỉ việc thảo luận về nó cũng mang lại hàng tá rắc rối so với những lợi ích có thể đạt được. Nhiều giáo dân đã tránh xa các mục sư hoặc từ chối thẳng thắn khi được vận động tiêm chủng.
TTO - Bộ Y tế Ukraine đang điều tra nguyên nhân cái chết của một người đàn ông 47 tuổi sau khi tiêm vắc xin COVID-19 của Hãng dược Pfizer/BioNTech.