Ai nắm quyền quyết định giá cà phê?
Nguyễn Quang Bình
(KTSG Online) - Thị trường cà phê bước vào quí 3-2021, là quí cuối cùng của niên vụ 2020-2021. Tháng 6 vừa đi qua với những bước tiến về giá khá nhanh. Tuy vậy, liệu thị trường tiếp tục tăng nóng như trong tháng vừa qua khi một số vùng tại các nước tiêu thụ nắng như đổ lửa và con virus SARS-CoV-2 biến chủng Delta có thể gây phiền hà cho thế giới trong dịp hè này?
Hình 1 |
Hiệu suất đầu tư hấp dẫn
Mấy ngày giao dịch đầu quí mới, giá cà phê phái sinh robusta London, nơi nhiều nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, vẫn lấy được đà từ tháng trước để tăng, có lúc chạm 1.737 đô la Mỹ/tấn, là mức cao nhất tính từ gần ba năm trở lại đây để đóng cửa cuối tuần trước tại 1.707 đô la/tấn. Ngược lại, giá arabica New York lại rớt đậm, trong tuần mất 4,75 cts/lb tương đương với 105 đô la/tấn chốt tại 153,05 cts/lb (hình 1).
Hình 2 |
Tính đến hết ngày 30-6, giá hai sàn cà phê lớn của thế giới đi ngược chiều nhau hoàn toàn. Chính điều này làm cho giới kinh doanh cà phê chưa tin tưởng lắm vào sự bền vững của giá phái sinh robusta. Bức tranh thị trường trên sàn nay đã chuyển màu một cách rõ nét. Nhìn biểu đồ so sánh giá giữa hai sàn giá robusta, quả có một tháng 6 đem lại hiệu suất đầu tư hấp dẫn. Nếu như tính từ đầu năm, hiệu suất đầu tư trên cả hai sàn bằng nhau với gần 20% (hình 2).
Giá cà phê loại 2, tối đa 5% đen bể nhiều nơi tại Tây Nguyên, đã lên mức cao nhất của niên vụ này khi chạm gần 37 triệu, trong tuần hiếm khi xuống dưới 36 triệu đồng/tấn.
Giá tăng nhưng chưa bền vững
Suốt cả tháng 5, rồi qua tháng 6, giá London lấy lại được kha khá những gì đã mất từ ba bốn năm nay lao đao. Nhưng người trên thị trường đã bắt đầu lấy sàn arabica “làm gương” khi vừa mới mấy tháng trước tăng quá nóng thì đến những tuần gần đây sàn arabica luôn mất điểm. Brazil đã thu hái xong cà phê robusta năm này và tất cả các dự báo trước và sau thu hoạch đều khẳng định robusta được mùa nhưng arabica mất mùa. Con số bình quân của các dự báo cà phê loại này của Brazil quanh mức 1,2 triệu tấn, bằng 2/3 sản lượng của nước sản xuất robusta lớn nhất là Việt Nam.
Có lẽ lý do dễ giải thích nhất là vì lượng tồn kho cà phê robusta đạt chuẩn tại các kho thuộc sàn London giảm liên tục năm, sáu tuần liền, đến cuối tuần trước lượng này chỉ còn dưới 150.000 tấn. Nên có thể đoán rằng giá trên sàn London còn tăng nữa hay không, một phần phụ thuộc vào lượng tồn kho cà phê được quyền đấu giá này.
Yếu tố tạo nên sóng gió trên sàn London hiện nay không được xây dựng trên bức tranh tổng thể cung-cầu mà chỉ dựa vào con số tồn kho đạt chuẩn của sàn. Brazil đã có hàng robusta rất sẵn. Giả sử một ngày nào đó hàng từ nước này chuyển qua sàn London chừng dăm bảy trăm tấn, giá phái sinh robusta có thể dội ngược lại một cách không thương tiếc.
Tại sao giá còn bấp bênh?
Các nhà kinh doanh và rang xay cà phê thường đi nghỉ hè vào tháng 7 và 8 hàng năm. Cho nên, thị trường cả hàng thực lẫn hàng giấy khá trầm lắng trong thời gian này.
Đã vậy, những ngày đầu hè tại một số bang phía Tây Canada và Mỹ đang chịu một đợt nắng nóng cực độ, có lúc nhiệt độ lên đến 44-49 độ C, mức mà người xứ lạnh ở đó không thể chịu nổi. Một số tờ báo trong nước đưa tin đã có chừng 800 ca tử vong vì bị sốc nhiệt do thời tiết quá nóng.
Trong khi đó, thị trường càng nóng ruột hơn khi biến chủng Delta đang hoành hành và có nguy cơ đe dọa mùa hè năm nay “chưa thể yên ả”. Một số nước châu Âu vừa mới dỡ lệnh phong tỏa thì nay phải khuyên dân chúng tiếp tục đeo khẩu trang và nên sống giãn cách.
Ngành du lịch và vận tải hàng không rên trời vì niềm tin mới “vui trở lại” nay phải dè chừng. Chuyên gia của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc tuần qua ước thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra đối với ngành trên toàn cầu có thể lên đến 4 ngàn tỉ đô la Mỹ. Thiệt hại của ngành du lịch càng lớn, thất thu của các nước xuất khẩu cà phê càng nhiều vì sức tiêu thụ giảm.
Ai quyết định giá cà phê?
Chuyện nay đã quá rõ: hàng hóa không đi được, giá cước tiếp tục dâng cao, hàng tại các cảng đi và đến ùn ứ vì thiếu nhân công do dịch bệnh. Chỉ số vận tải biển hàng khô (Baltic Dry Index) tuần trước có lúc lên mức cao nhất tính từ hơn 11 năm đạt 3.418 điểm. Các nước xuất khẩu kêu trời như tại Ấn Độ, giới kinh doanh xuất nhập khẩu không tìm đâu ra containers. Chỗ trên tàu nay thường được giành cho người trả giá cao hơn dù thứ tự đặt chỗ sau người mua giả rẻ hơn.
Sau hè, đến tháng 9, thường là thời gian các nhà xuất khập khẩu dò hỏi giá cả và đặt hàng cho ba tháng cuối năm, đặc biệt cho mùa đông và mùa xuân năm sau. Thế nhưng, người trên thị trường cà phê năm nay cho biết “lịch làm việc” như thế là hết sức không chắc chắn vì chưa biết lúc nào hàng tồn kho đang bị dồn ứ tại các kho ở nước xuất khẩu mới được giải phóng.
Đối với nhiều nhà nhập khẩu, hàng tồn kho hiện nay có đầu vào cao, trước mua với giá cộng so với giá niêm yết, thị trường nay đã mua theo giá trừ rồi, chưa biết phải lo liệu làm sao. Đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê đang làm cho các nhà kinh doanh gãy luôn cả trong tính toán và hoạch định kinh doanh cho niên vụ sắp tới.
Giá trên sàn phái sinh thực ra không do giới mua bán hàng thực (hàng xuất nhập khẩu) quyết định mà do các nhà đầu cơ tài chính lèo lái. Cho nên giá phái sinh còn đi đâu, không ai chắc chắn.
Trước đây, giá cả thường do người mua quyết định. Người bán cà phê như tại Việt Nam thường chào giá theo điều kiện người mua trả cước tàu hay giao hàng qua lan can tàu FOB. Nay người mua lại phụ thuộc vào người vận tải. Như vậy, thế bị động đối với người bán trong thời gian tới là không thể tránh khỏi.
Biết thế, nhưng thà dự đoán trước tình hình để giảm rủi ro thì vẫn tốt hơn.
Xem thêm: lmth.ehp-ac-aig-hnid-teyuq-neyuq-man-ia/499713/nv.semitnogiaseht.www