Sáng 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với TP.HCM và các tỉnh lân cận để bàn về phương án phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, TP.HCM và một số tỉnh miền Đông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây, một số nơi người dân chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch...
Các địa phương chủ động trao đổi
Sau khi nghe báo cáo, các giải pháp... Thủ tướng nhấn mạnh: Dịch bệnh tại TP.HCM ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, việc phòng chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh, tổ chức phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng, không phụ thuộc vào địa giới hành chính; thần tốc xét nghiệm, truy vết, cách ly, điều trị, dập dịch.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai, áp dụng nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn linh hoạt theo tình hình, điều kiện của từng địa phương. Tiếp tục thực hiện chiến lược vaccine đảm bảo an toàn, kịp thời, hiệu quả.
Các tỉnh lân cận chủ động trao đổi, phối hợp để đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo sản xuất kinh doanh, song người di chuyển qua lại phải đảm bảo an toàn, không làm lây lan dịch bệnh...
TP.HCM cần mở rộng khu vực áp dụng Chỉ thị 16
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định thời gian tới số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu làm tốt và quyết liệt các biện pháp, TP.HCM có thể kiểm soát dịch trong bảy ngày tới.
Bộ trưởng Y tế nêu nguyên nhân khách quan khiến số ca mắc ngày càng tăng tại TP.HCM là do biến chủng virus Delta có tốc độ và khả năng lây lan mạnh, mật độ dân cư tại TP đông đúc.
Về nguyên nhân chủ quan, ông cho rằng một số quận/huyện, phường/xã tại TP.HCM vẫn chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của TP.HCM; việc thực hiện tổ COVID-19 cộng đồng, tổ an toàn COVID-19, phương châm bốn tại chỗ còn hạn chế…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và bảy tỉnh lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch COVID-19, sáng 4-7. Ảnh: VGP
TP.HCM còn gặp khó khăn trong thực hiện chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP gặp tình trạng quá tải; thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm; việc điều phối xét nghiệm giữa các đơn vị chưa tốt; công tác cách ly chưa thật sự nghiêm ngặt và linh hoạt…
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 10, mở rộng một số khu vực, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nghiêm phong tỏa; tăng cường truyền thông, kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, tổ chức lại vấn đề xét nghiệm, thành lập các bộ phận xét nghiệm tại quận/huyện và giao địa phương tự điều phối phòng xét nghiệm tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, sử dụng phương thức xét nghiệm gộp mẫu, rút ngắn thời gian trả kết quả trong vòng 6 tiếng. Việc xét nghiệm nên có trọng tâm, trọng điểm, khuyến cáo làm ba ngày/lần tại các khu phong tỏa, bảy ngày/lần tại khu vực nguy cơ cao.
Thí điểm cách ly F1 tại nhà theo công thức 14-14
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng dịch bệnh hiện nay trên địa bàn TP diễn biến phức tạp, khó lường. Dù siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhưng TP vẫn chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh.
Do đó trong thời gian tới, ông yêu cầu cơ quan liên quan nghiêm túc nhìn nhận lại quá trình thực hiện, xác định hạn chế, khắc phục và đưa ra những giải pháp phù hợp.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ khi áp dụng Chỉ thị 10, TP.HCM đã giao toàn quyền cho chủ tịch UBND các quận/huyện và TP Thủ Đức quyết định các vấn đề tại khu vực. Từ đó đã nâng cao hệ thống chính trị tại cơ sở, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng.
Ông Phong cũng cho biết việc trả kết quả xét nghiệm chậm có xảy ra ở một số trường hợp cá biệt. Nhằm đẩy mạnh năng lực xét nghiệm, TP.HCM đã triển khai thành lập Trung tâm điều phối và xét nghiệm COVID-19, chỉ đạo thành lập các tổ xét nghiệm tại các quận/huyện và TP Thủ Đức. Đặc biệt, đàm phán mua 1,4 triệu test nhanh kháng nguyên; tập trung khắc phục hạn chế về tổ chức, năng lực đội ngũ xét nghiệm.
Để đảm bảo duy trì sản xuất, TP.HCM cũng tổ chức cho 43 doanh nghiệp tại khu chế xuất, khu công nghệ cao vừa sản xuất vừa cách ly tại chỗ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời TP thành lập 100 tổ kiểm tra hướng dẫn an toàn phòng chống dịch tại các điểm trên, đẩy mạnh lấy mẫu test nhanh tại doanh nghiệp.
Cùng với đó, TP.HCM đã tiến hành rà soát toàn bộ các khu cách ly, thực hiện cách ly linh hoạt, thí điểm cách ly F1 tại nhà theo công thức 14-14 (14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà) dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về đề xuất và kiến nghị, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho TP.HCM 2 triệu test nhanh kháng nguyên và máy xét nghiệm PCR cùng đội ngũ chuyên viên kỹ thuật vận hành máy.
Cần mô hình “hợp tác công - tư” vaccine COVID-19 Cộng đồng doanh nghiệp (DN) quan tâm đặc biệt tới chiến dịch tiêm vaccine COVID-19. Thực tiễn việc triển khai tiêm vaccine đang rất khác nhau tại các ngành, các địa phương. Chiến dịch mua và tiêm vaccine cho người dân và người lao động tại các DN cũng còn nhiều vấn đề. Có tỉnh cho triển khai việc đăng ký nhu cầu tiêm vaccine và DN thực hiện theo chỉ đạo nhưng sau đó lại nhận được thông tin triển khai tương tự của bộ chủ quản với lĩnh vực DN hoạt động khiến họ bối rối. Cũng có trường hợp trên cùng một tỉnh, vừa có thông tin về việc đăng ký tiêm dịch vụ, vừa có thông tin về các nhóm chủ thể được ưu tiên tiêm miễn phí... khiến DN lúng túng. Về vấn đề “hợp tác công - tư” trong vaccine, để phát huy nguồn lực tài chính, tính nhạy bén, mạng lưới giao thương toàn cầu, tác phong nhanh nhẹn trong tổ chức công việc của DN... chúng tôi cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công - tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 giữa các cơ quan nhà nước với DN. Quy trình này cần công bố công khai nhằm giúp DN hoạch định tốt hơn. Các DN, hiệp hội còn đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 để hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay. Đây cũng là cách hiệu quả để chuẩn bị cho chiến dịch “sống chung với COVID-19” trong bối cảnh bình thường mới. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có những quy trình cụ thể, minh bạch trong thời gian tới để Chính phủ phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực và sức mạnh từ phía tư nhân. CHÂN LUẬN |