Chợ Tam Bình (TP Thủ Đức) đóng cửa nhiều ngày qua, do liên quan đến ca nhiễm COVID-19, hiện vẫn chưa được mở lại - Ảnh: N.TRÍ
Nhu cầu tăng, siêu thị gặp khó
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thương - quản lý kênh thu mua hệ thống Bách Hóa Xanh, nhu cầu hiện tăng ở mức hơn 200% so với thời điểm không dịch. Tuy vậy, hiện đơn vị vẫn "chạy kịp" để đủ nguồn cung cho thị trường, một số loại hàng dần ổn định lại.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-7, ông Phan Văn Dũng - phó tổng giám đốc Công ty Vissan - cho biết hiện lượng thịt tươi sống được đơn vị bán ra đạt 120 - 150 tấn/ngày, tăng 30 tấn so với tháng trước và tăng 70 - 80 tấn so với thời điểm không dịch COVID-19. Trung bình mỗi ngày đơn vị giết mổ 1.200 - 1.500 con heo, tăng gấp 2 - 2,5 lần so với bình thường.
Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, hiện siêu thị đang gặp khó do có điểm bán bị đóng cửa kéo dài. Những điểm dịch nhưng không có ca F0 thì siêu thị sẽ nghỉ một ngày để khử khuẩn, còn có ca F0 sẽ nghỉ 3 ngày. Song việc mở cửa lại còn phụ thuộc vào chính quyền quận huyện, bởi có siêu thị của đơn vị bị đóng cửa dài ngày.
Tương tự, đại diện một hệ thống siêu thị cho rằng chính quyền nên tăng hỗ trợ phòng chống dịch, xử lý điểm dịch nơi siêu thị phải đóng cửa để nhanh chóng đưa siêu thị hoạt động trở lại.
Cần hỗ trợ để bán hàng lưu động
Sở Công thương TP.HCM đã yêu cầu một số quận huyện xem xét thực hiện việc bán hàng lưu động, hàng đăng ký trước tại những điểm giãn cách, chợ truyền thống đóng cửa.
Ông Phan Văn Dũng cho hay hiện Vissan có đủ hàng, đủ thiết bị chuyên dùng và xe để mỗi ngày bán hàng lưu động tại 5 - 10 điểm. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch hiện nay, việc tìm được địa điểm được phép và thông thoáng để người dân xếp hàng, đảm bảo giãn cách... là điều không đơn giản và cần sự hỗ trợ của địa phương mới dám tổ chức bán.
Đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh chia sẻ: nguồn nhân lực, vận chuyển, kho bãi của đơn vị đang quá tải do phục vụ nhu cầu tăng cao nên khó có thể tham gia được. "Trường hợp tham gia, đơn vị chỉ có thể cam kết giao hàng tại điểm bán theo yêu cầu, còn công tác bán buôn, phân phát hàng đến tay người dân cần sự hỗ trợ của lực lượng khác", bà Nguyễn Thị Ngọc Thương thông tin.
Tương tự, đại diện Công ty Saigon Food, Công ty Ba Huân (TP.HCM) cho biết đơn vị sẵn sàng tham gia các chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu dân cư. Tuy vậy, cần bàn tay kết nối bởi đơn vị chỉ làm việc trực tiếp với đơn vị đứng ra tổ chức, hàng sẽ được giao xuống địa điểm cần, còn lại khâu phân phát, bán ra là trách nhiệm của đơn vị tổ chức.
Đại diện một siêu thị cũng cho biết sẵn sàng tham gia bán hàng lưu động với nhiều mặt hàng nhưng các quận huyện cần đảm nhận việc tìm những điểm có mặt bằng thông thoáng như trường học, khu vực công viên, UBND để tổ chức bán. Sau đó, cần chia theo khung giờ ở từng khu phố, mỗi khu phố nên bán 1 - 2 giờ để tránh tụ tập đông người.
Chợ truyền thống tạm ngưng, nhiều siêu thị quá tải. Sở ngành đã đề xuất áp dụng mô hình bán hàng lưu động, hàng đăng ký trước... nhưng nhiều đơn vị cho biết không dễ thực hiện.
Bỏ ngỏ thời gian cho mở lại nhiều chợ truyền thống
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến 2-7 TP có 105 chợ tạm ngưng hoạt động (1 chợ đầu mối và 104 chợ truyền thống). Theo ban quản lý chợ Bình Thới (Q.11), hiện đơn vị đang khẩn trương khử khuẩn chợ, xét nghiệm tiểu thương để nhanh chóng mở cửa lại, chưa rõ thời điểm mở lại và phạm vi khi mở cửa lại cũng sẽ không bằng bình thường. Tương tự, đại diện ban quản lý chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) cho biết chợ đã đóng cửa gần 1 tuần qua và dù đang cấp tốc xử lý nhưng thời gian mở cửa lại còn bỏ ngỏ.
TTO - Trong ngày 2-7, nhiều chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM đã được đón khách trở lại sau khi cơ quan quản lý thẩm định đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Xem thêm: mth.32722703240701202-gnod-uul-gnah-nab-gnat-ed-ohk-og/nv.ertiout