Nexperia là một công ty Hà Lan nhưng do Wingtech Technology của Trung Quốc nắm giữ 100% cổ phần. Theo phản hồi chính thức của Nexperia, quá trình đàm phán đang diễn ra.
Nằm ở Newport, South Wales, Newport Wafer Fab hoàn toàn do tư nhân nắm giữ. Đây là một trong số ít các nhà máy bán dẫn ở Anh. Các nguồn tin cho biết việc tiếp quản sẽ được thực hiện trong ngày 5 hoặc 6/7.
"Chúng tôi đang đàm phán mang tính xây dựng với Newport Wafer Fab và Chính quyền xứ Wales về tương lai của doanh nghiệp. Cho tới khi có kết quả cuối cùng, chúng tôi chưa thể bình luận gì thêm", Nexperia cho biết.
Newport Wafer Fab và Wingtech Technology từ chối đưa ra bình luận.
Thỏa thuận được tiết lộ trong bối cảnh thế giới đang thiếu hụt chip, buộc các quốc gia phải độc lập hơn trong sản xuất chất bán dẫn. Hiện tại, phần lớn chip trên thế giới được sản xuất ở châu Á với TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc hay SMIC của Trung Quốc.
Tom Tugendhat, lãnh đạo Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc của Chính phủ Anh, cho biết ông lo ngại về nguy cơ Newport Wafer Fab bị tiếp quản bởi Trung Quốc. Trong lá thư gửi Bộ trưởng Kinh doanh Kwasi Kwarteng hồi tháng 6, ông Tugendhat đã nêu ra nguy cơ này.
"Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng việc để nhà máy chip hàng đầu của Anh nằm dưới sự tiếp quản của một thực thể Trung Quốc, theo quan điểm của tôi, là mối quan ngại đáng kể với kinh tế và an ninh quốc gia", ông Tugendhat nhấn mạnh.
Ông kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại thỏa thuận theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư, được ban hành hồi tháng 4 như một nỗ lực bảo vệ các công ty công nghệ của Anh khỏi bị nước ngoài thôn tính khi có rủi ro về kinh tế hoặc đe dọa về an ninh.
"Đây là nhà máy chip tiên tiến lớn cuối cùng còn sót lại ở Anh. Khi bị bán cho người Trung Quốc, Chính phủ Anh sẽ không thể can thiệp gì nữa", ông Tugendhat nhấn mạnh.
Về phần mình, Chính phủ Anh cũng đã chính thức lên tiếng. "Chúng tôi biết về việc Nexparia sẽ tiếp quản Newport Wafer Fab. Mặc dù chúng tôi nhận thấy có vẻ không phù hợp để can thiệp ở thời điểm này nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và không ngần ngại sử dụng quyền hạn của mình theo Đạo luật Doanh nghiệp nếu thấy cần thiết", người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết.
Mức giá 87 triệu USD được cho là thấp hơn nhiều so với thương vụ 900 triệu USD mà Texas Instruments thông báo sẽ trả để mua Micron fab tại Utah trong tuần này. Tuy nhiên, Newport Wafer Fab có một khoản nợ chưa thanh toán trị giá khoảng 50 triệu USD với HSBC và Chính phủ xứ Wales. Những khoản nợ này sẽ được trả hết sau thương vụ mua bán.
Trong khi đó, CEO Drew Nelson của Newport Wafer Fab, người đã trở thành cổ đông lớn sau khi mua lại công ty 4 năm trước, sẽ nhận được khoảng 15 triệu bảng Anh.
Newport Wafer Fab sản xuất chip cho các ngành ô tô, vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Công ty cũng đang phát triển các loại chip tiên tiến, nhanh và tiết kiệm năng lượng hơn.