vĐồng tin tức tài chính 365

Thư viện danh tiếng 25 năm 'nuôi cáo trong nhà'

2021-07-05 13:27

Mùa thu năm 2017, khi các quan chức thư viện Carnegie Pittsburgh, bang Pensylvania, kiểm tra định kỳ "kho báu" đã phát hiện nhiều cuốn sách vô giá bị xé ruột, lục tung, thậm chí biến mất. Nhiều nhân viên thư viện suy sụp, bật khóc.

Trong số này có những cuốn sách cực hiếm, quan trọng về mặt lịch sử, là vật bất khả xâm phạm. Chúng được cho là "vật sở hữu nổi bật" đến mức tên trộm nào nếu muốn không bị phát hiện thì đừng lấy trộm. Nhưng tên trộm sách ở phòng Oliver đã lấy trộm tới 10 cuốn như vậy.

Ngoài ra, 276 trang của Theatrum Orbis Terrarum, tấm atlas địa lý thế giới bằng màu vẽ tay đầu tiên của nhân loại, in năm 1644, cũng không cánh mà bay.

Kẻ cắp đã lấy đi gần như mọi thứ có quý giá nhất ở đây. Từ ấn bản đầu tiên của cuốn Philosophiae Naturalis Principia Mathematica, chuyên luận toán học Isaac Newton in năm 1473, đến ấn bản đầu tiên của The Wealth of Nations viết bởi cha đẻ của ngành kinh tế học, Adam Smith, in năm 1776.

Đạo chích cũng đánh cắp ấn bản đầu tiên của cuốn sách được viết bởi tổng thống thứ hai của Mỹ, John Adams, và một cuốn sách có chữ ký tổng thống thứ ba, Thomas Jefferson.

Thư viện- bảo tàng Carnegie Pittsburgh, bang Pensylvania. Ảnh: CNN

Thư viện - bảo tàng Carnegie Pittsburgh, bang Pensylvania. Ảnh: CNN

Thư viện Carnegie ở Pittsburgh được xây dựng năm 1895 từ ý tưởng và đóng góp của nhà tài phiệt ngành thép gốc Scotland Andrew Carnegie, một trong những người Mỹ giàu nhất lịch sử. Qua hơn 120 năm, thư viện quản lý hơn 2,5 triệu đầu sách, là trung tâm nghiên cứu và lưu trữ lịch sử, văn hóa quan trọng bậc nhất của bang Pensylvania.

Trong thư viện, phòng Oliver, nơi có những cuốn sách và kho lưu trữ quý hiếm, được bảo vệ bởi hệ thống "phòng thủ theo chiều sâu" với nhiều biện pháp an ninh nhỏ nhiều lớp phức tạp. An ninh ở đây từng được so sánh với nhà máy điện hạt nhân và các mạng máy tính nhạy cảm của quốc gia.

Greg Priore, người quản lý căn phòng từ năm 1992, đã thiết kế nó theo cách đó. Căn phòng có lối vào duy nhất và chỉ 3-4 người có chìa khóa. Bất kỳ ai khi bước vào đều cần có sự đồng ý của Priore. Số giờ mở cửa hạn chế và tất cả khách phải đăng nhập và để các vật dụng cá nhân bên ngoài. Hoạt động trong phòng được camera giám sát liên tục.

Nhà Priore cách thư viện Carnegie Pittsburgh 15 phút đi bộ, đi qua tòa nhà màu xanh lam nổi tiếng của hiệu sách Caliban mở năm 1991, một trong những điểm văn hóa nổi tiếng nhất của thành phố.

Ông chủ của hiệu sách là John Schulman, thành viên của Hiệp hội những người bán sách cổ vật Mỹ (ABAA), thường xuyên được các đại học nổi tiếng mời thẩm định sách và cổ vật, luôn có mặt tại các hội chợ sách lớn.

6 tháng trước khi vụ mất sách được phát hiện, Priore tìm nhiều cách để ngăn ban giám đốc ra quyết định thẩm định phòng Oliver. Lúc đó, các đồng nghiệp nhìn nhận việc phản ứng của Priore là sự cố chấp ăn vào bản tính ông ta.

Priore nói chuyện với Schulman và được gơi ý giải thích về lý do nhiều cuốn sách bị mất. Schulman thúc giục Priore tạo tài liệu giả để chứng minh một số đã được cho mượn; vu khống giám đốc thư viện (đã chết) bán bớt một số cuốn trong khi Priore đi nghỉ phép.

Priore còn bịa thêm lý do có thể an ninh của căn phòng không hoàn hảo do đó các công nhân bảo trì, cụ thể là một số thợ sửa chữa mái nhà, đã được vào phòng.

Greg Priore kiểm tra một cuốn sách trong Phòng Oliver của thư viện, năm 1999. Ảnh: AP

Greg Priore kiểm tra một cuốn sách trong Phòng Oliver của thư viện, năm 1999. Ảnh: AP

Cuối cùng Priore không có cách nào để che hành vi ăn cắp đã âm thầm diễn ra hàng chục năm của mình. Hàng nghìn tấm, bản đồ và ảnh bị mất tích không thể đổ cho vài người công nhân xây dựng. Thậm chí nếu việc này là thật, ông ta cũng không thể không nhận thấy...

Ngày 11/4/2017, giám đốc thư viện đình chỉ công việc với Priore. Quyết định sa thải Priore được ký 2 tháng sau đó.

Tháng 8 năm đó, hàng chục người, từ các nhà sưu tập tư nhân, thủ thư và đại lý sách hiếm đã nhận được những lá thư cảnh báo của thư viện về việc trao nộp lại "tài sản quốc gia".

Cảnh sát Pittsburgh thẩm vấn Priore và không mất nhiều thời gian để mọi thứ trở nên rõ ràng. Trong khi những kẻ trộm di sản khác thường cố gắng tránh gây sự chú ý bằng cách ăn cắp món đồ có giá trị thấp, xé nát các tập sách, tẩy trắng tem thư viện, Priore lại lấy những thứ quý hiếm bậc nhất của thư viện một cách trắng trợn, để nguyên tem. Tất cả cho thấy ông ta ăn cắp không phải để làm giàu mà đúng hơn, như lời khai với cảnh sát, chỉ đơn thuần là để "nổi".

Thủ thư này không thể mạo hiểm tiếp cận trực tiếp các đại lý hoặc nhà sưu tập sách để bán. Priore không thể hoạt động nếu không có sự giúp đỡ của Schulman. Và Schulman không thể có quyền tiếp cận với các cuốn sách cổ vật của Phòng Oliver nếu không có Priore.

Khi mua một cuốn sách có giá trị, thư viện sẽ đánh dấu nó bằng một trong số các loại dấu khác nhau: mực, dập nổi hoặc đục lỗ. Việc này nhằm xác định chủ sở hữu hợp pháp và "vô hiệu" việc giao dịch trên thị trường.

Để bán một cuốn sách được đánh dấu dày như vậy, đạo chích phải xé, cắt và tẩy trắng những bằng chứng này và nếu không cẩn thận sẽ phá hủy cuốn sách ngay từ những cái chạm tay đầu tiên. Nhưng bằng các thủ thuật của tay bán sách và buôn đồ cổ lão làng, Schulman hầu như không gặp trở ngại với việc này.

Tháng 1/2020, tại tòa án quận Allegheny, Priore nhận tội trộm cắp trong khi Schulman nhận tội tiêu thụ tài sản bị đánh cắp và giả mạo.

Theo lời khai tại toà, Priore đã lấy những món đồ từ Phòng Oliver và bán cho Schulman. Đồng thời, Schulman cũng thường xuyên nhận đơn đặt hàng của khách để yêu cầu Priore lấy trộm. Việc này diễn ra trót lọt suốt 25 năm.

Các cố vấn Nghệ thuật quốc gia đã dành hàng tháng trời để định giá từng món đồ mà Priore đã phá hủy hoặc đánh cắp, kết luận tổng giá trị hơn 8 triệu USD. Tuy nhiên, thiêt hại không thể chỉ tính bằng tiền. Nhiều cuốn sách là vô giá, không mua ở bất kỳ đâu với bất kỳ giá nào.

"Đây không chỉ là hành vi phạm tội chống lại thư viện Carnegie, nó còn là tội chống lại di sản văn hóa nhân loại", lãnh đạo thư viện nói.

Kinh thánh in năm 1615, bị Priore đánh cắp khỏi Thư viện vào những năm 1990 và bán cho Bảo tàng Hành hương Hoa Kỳ ở Hà Lan và đã được bảo tàng Carnegie Pittsburgh mua lại với giá 12.000 USD vào tháng 4/2019. Ảnh: CBS Pittsburgh

Cuốn kinh thánh in năm 1615 bị Priore đánh cắp khỏi Thư viện vào những năm 1990, được bán cho bảo tàng ở Hà Lan và sau đó bảo tàng Carnegie Pittsburgh mua lại với giá 12.000 USD vào tháng 4/2019. Ảnh: CBS Pittsburgh

Hơn nữa, các cố vấn lo ngại vụ bê bối sẽ khiến không còn ai muốn tặng những bộ sách sưu tập cá nhân quý hiếm cho thư viện nữa. Greg Priore đã tàn phá danh tiếng cũng như tài sản của thư viện. Hiệu ứng tâm lý này từ phía các nhà tài trợ là một lý do mà nhiều thư việ, khi phát hiện mất cắp thường chọn cách bưng bít.

Hơn 20 người đã viết thư yêu cầu thẩm phán đưa ra bản án nghiêm khắc với Priore vì tội ác "chưa từng có hàng trăm năm qua". Tại buổi tuyên án ngày 18/6/2020, trong lời nói sau cùng, Priore bày tỏ tình yêu với thư viện, trình bày: "Tôi vô cùng xin lỗi vì những gì đã làm. Tôi kinh hoàng vì hành động của mình".

"Chúng tôi không muốn một lời xin lỗi", Giám đốc thư viện nói với thẩm phán. "Bất kỳ lời xin lỗi nào từ những tên trộm này sẽ là vô nghĩa. Họ chỉ hối hận vì chúng tôi đã phát hiện ra những gì họ đã làm".

Thẩm phán tuyên Greg Priore 3 năm quản thúc tại gia và 12 năm quản chế. Schulman nhận 4 năm quản thúc tại gia và 12 năm quản chế. Ông nói với hai bị cáo, nếu không vì Covid-19, bản án của họ sẽ trở nghiêm khắc hơn. "Tôi hy vọng thời kỳ tồi tệ này là bài học kinh nghiệm cho mọi người, bao gồm cả thư viện Carnegie".

Hải Thư (Theo Smithsonian, USNews)

Xem thêm: lmth.3293034-ahn-gnort-oac-ioun-man-52-gneit-hnad-neiv-uht/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thư viện danh tiếng 25 năm 'nuôi cáo trong nhà'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools