Hữu, Ân được thủ trưởng và anh em đồn A Xan thương yêu như con đẻ - Ảnh: B.D.
"Tôi, Hôih Đức Hữu, chính trị viên đồn biên phòng A Xan, kính chào thủ trưởng Dương Đệ Châu. Chúc thủ trưởng khỏe!".
Khựng lại nghiêm nghị, ông Châu nhìn thẳng rồi hô to: "Thôi, nghỉ!".
Vừa đồng đội, vừa là... ông cháu
Ông Châu hạ chiếc mũ cối, ngồi xuống bàn tiếp khách đặt ngay trước đồn. Sau khi chào hỏi, "chính trị viên Hôih Đức Hữu" thay đổi hẳn thái độ, Hữu sà vào lòng ông Châu rồi õng ẹo: "Ông để con lấy quạt quạt cho mát nghe! Nay dịch nên con được nghỉ học, ở nhà không có ai chơi hết!".
Thấy tôi chưa hiểu chuyện gì, ông Châu liền cười vang: "Hữu là con nuôi của đồn đấy, ngoài cháu ra còn có Cơ Lâu Ân. Cả Hữu, Ân đều hoàn cảnh đặc biệt, con đồng bào Cơ Tu các ngôi làng xung quanh đồn và được bộ đội nhận về làm con nuôi".
Thượng tá Châu là một trong hai người lớn tuổi nhất ở đồn A Xan. Ông là thủ trưởng nhưng Hữu, Ân chỉ gọi chức danh ông khi tập dượt điều lệnh cùng các chú, các bác trong đơn vị. Còn bình thường, cứ thấy thượng tá Châu nghỉ ngơi là hai chàng lính nhí này lại gọi là "ông". Phần lớn cán bộ trong đồn đều là lính trẻ, vì trẻ nên Hữu, Ân xưng là "chú, bác".
Trưởng đồn biên phòng A Xan nói dẫu không phải máu mủ ruột rà nhưng Hữu và Ân giờ cũng như con đẻ của anh em trong đồn. Cả hai ăn ở, sinh hoạt như một người lính thực thụ. Chỉ khác một điều là Hữu, Ân được ưu tiên giờ giấc, không phải đi tuần tra, báo động giữa đêm hay thức dậy sớm tập thể dục.
Nhiệm vụ của hai em là... ăn no, ngủ kỹ và học tốt. Hai em giờ là niềm vui cho cả đồn sau những giờ tuần tra biên giới cực nhọc, cũng giúp những người lính nơi biên ải vơi bớt nỗi nhớ, được thấy hình bóng, thanh âm con trẻ mỗi ngày.
"Mỗi lần đi làm về thấy hai thằng nhỏ gác chân nhau ngủ hay lúc chào điều lệnh, xưng ông là hết mọi mệt nhọc. Mình lớn tuổi rồi, sống xa gia đình và con cháu để làm nhiệm vụ nên có Ân, Hữu thêm vui" - ông Châu nói.
Ở đồn "Mang Cá" thích hơn ở nhà
Đồn A Xan đóng chân trong thung lũng A Xan, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Đây là khu vực biên ải, nhiệm vụ của biên phòng không chỉ tuần tra đảm bảo biên giới mà còn như những biểu tượng về tri thức, lòng nhân ái của người lính.
Đồng bào Cơ Tu đặc biệt kính trọng và nghe lời bộ đội quân hàm xanh bởi dù công việc khác nhau, nhưng lính đồn A Xan sống gắn bó, yêu thương bà con như ruột rà.
Mấy năm trước, khi lên A Xan chúng tôi được bà con kể việc được từng cán bộ biên phòng nhận đỡ đầu, hướng dẫn nuôi gia súc, tính toán kinh tế, trồng lúa nước cho các hộ gia đình. Nhờ lính mà không ít hộ thoát nghèo, khấm khá.
Giờ đây câu chuyện đồn nhận nuôi hai đứa trẻ mang số phận đặc biệt càng thêm mủi lòng. Thượng tá Dương Đệ Châu cho biết năm trước, vụ việc hai vợ chồng vì quá bế tắc tinh thần mà thắt cổ tự tử đã gây xót đau ở thôn A Banh 2, xã Tr’Hy - cách đồn chừng 20km.
Sau mai táng, 5 đứa trẻ là con của cặp vợ chồng này bỗng chốc bơ vơ, không chỗ dựa. Đứa sống lay lắt, đứa về ở nhà bà nội già yếu... Biên phòng biết chuyện liền tìm tới, đặt vấn đề với chính quyền để làm thủ tục nhận nuôi.
Ngày đưa về đồn, rất đông bà con Cơ Tu đã đi theo để lên tới chân đồn A Xan nhìn thấy đứa trẻ mồ côi được bố trí nơi ở mới. Đứa trẻ đó chính là Cơ Lâu Ân, hiện đang học lớp 6 Trường THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan.
Sau khi Ân về ổn định, mấy anh lính khi đi làm công tác dân vận trong thôn Ky Noon, xã A Xan lại phát hiện thêm một đứa trẻ khốn khổ khác, đó là Hôih Đức Hữu. Nhà Hữu nghèo xơ xác, cha mẹ lấy nhau sinh Hữu rồi cha đổ bệnh.
Nhiều năm nay cha Hữu sống ở viện chạy thận nhân tạo, nhà chỉ có mình mẹ nhưng cơm không đủ ăn. Quá xót xa, mấy chú bộ đội đã cõng Hữu về, góp tiền mua quần áo, sắp giường chiếu cho chỗ ngủ.
Có Hữu, Ân, không khí ở đồn cứ rộn rã hẳn lên. Hai đứa trẻ như hai chú chim non, được yêu thương đặc biệt. Lính đồn đi đâu xa về cũng có quà, lúc bộ quần áo mới, khi đồ chơi, cuốn truyện.
Hai "đồng chí" cũng được bố trí phòng riêng, được các chú đóng bàn học, hằng đêm có người kèm cặp học hành.
Đồn biên phòng A Xan sẽ nhận nuôi Hữu, Ân ít nhất hết cấp II. Nếu hai cháu có nhu cầu gắn bó thì đồn sẽ tính lâu dài. Hữu, Ân sống vui vẻ và quen với môi trường nhà binh nên giờ đã thay đổi hẳn. Cả hai đều nói với các bác, các chú rằng "sẽ cố gắng học thật giỏi để làm thủ trưởng như ông Châu".
Thượng tá Dương Đệ Châu cho biết so với lúc mới nhận về, Hữu và Ân đã thay đổi hẳn. Da thịt dày lên so với cái dáng ốm nhách, gầy lòi sườn vì suy dinh dưỡng khi còn ở nhà. Ân học lớp 6 và Hữu học lớp 1. Cứ sáng sáng các chú bộ đội lại thay nhau đưa hai đứa đến trường.
"So với trước đây thì cuộc sống của Ân, Hữu giờ là một giấc mơ. Bộ đội ăn gì thì các cháu ăn nấy. Cuối tuần nếu hai cháu muốn về nhà, các chú sẽ chở về tận nơi" - ông Châu kể. Dù là em nhưng Hữu nhanh nhẹn hơn Ân. Hữu thấy các chú tập điều lệnh nên cũng tự phong cho mình chức chính trị viên, gọi trưởng đồn là "thủ trưởng".
TTO - Tết đến, hoa đào nở rộ dọc biên cương phía Bắc. Gác lại nỗi niềm riêng, bộ đội biên phòng vẫn căng mình tuần tra kiểm soát khu vực đường mòn, lối mở ngăn người nhập cảnh trái phép, vừa bảo vệ an ninh chủ quyền, vừa phòng chống dịch COVID-19.
Xem thêm: mth.67860949140701202-nax-a-nod-o-ihn-hnil-gnahc-iah/nv.ertiout