Sáng 5-7, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì buổi họp báo về triển khai gói hỗ trợ lần hai của TP.HCM đối với người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tại buổi họp, một số PV đã thắc mắc về trường hợp người lao động là xe ôm không được đề cập trong gói hỗ trợ 886 tỉ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM khoá X.
TP.HCM hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 năm 2020. Ảnh: LÊ THOA
Trả lời PV, ông Võ Văn Hoan cho biết những người xe ôm có thể nằm trong nhóm tự làm việc ở nhà cùng với những người may vá, thêu thùa. “Họ là người lao động nhưng tự làm việc, xe ôm là loại đó, hoặc sửa xe, vá xe nhưng chúng ta không đặt ra là vì chúng ta tránh xe công nghệ” – ông Hoan phân tích.
Ông khẳng định, việc này là do chính quyền phường, xã chịu trách nhiệm để xác định chính xác các đối tượng và tổ dân phố, ấp sẽ hiểu việc này vì có những người rất kiên trì với xe truyền thống.
“Xe công nghệ trong thời buổi có dịch này, phải nói hoạt động không tốt hơn đâu, khó lắm, cực lắm, nguy cơ cao lắm nhưng chúng ta không đặt ra chính sách hỗ trợ” – ông Hoan nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định xe ôm có thể được hiểu trong nhóm người lao động tự làm công việc (thuộc nhóm lao động tự do bị mất việc làm). “Trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ chỉ đạo cụ thể cho địa phương, phải chú ý các trường hợp không chỉ ra được mà nó nằm trong nhóm tự làm việc ở nhà để có hỗ trợ cụ thể” – ông nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đề nghị chính quyền địa phương cần có trả lời chính thức cho người sử dụng lao động và người lao động đối với các hồ sơ không đạt yêu cầu.
Về hình thức chi trả tiền hỗ trợ, ông Hoan cho biết TP hạn chế chi trả trực tiếp, mà đẩy mạnh việc chi trả thông qua kênh tài khoản, ai không có số tài khoản thì mới đến cơ quan nhà nước để nhận.
Do đó, ông yêu cầu chính quyền địa phương khi rà soát phải tiếp nhận số tài khoản của người lao động, để khi có tiền sẽ được chuyển ngay vào số tài khoản cho bà con mà không phải tạo áp lực lớn cho chính quyền cơ sở.
Về kinh phí hỗ trợ lần này, ông Võ Văn Hoan thông tin TP có sẵn sàng phần kinh phí dự trù, bởi phần kinh phí 886 tỉ đồng được Nghị quyết HĐND TP.HCM thông qua chỉ là ước tính.
“Còn khi thực hiện trong thực tế có thể phát sinh thì TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện cho đến khi kết thúc, chứ không phải vì khống chế số tiền ước tính đó mà chúng ta không thể chi thêm, chi mở rộng cho một số đối tượng phát sinh” – ông Hoan nói.
Ông cũng cho biết, thậm chí khi đối chiếu với Nghị quyết 68 của Chính phủ thì sẽ phát sinh thêm một số đối tượng cần hỗ trợ.
“Chắc chắn kinh phí như vậy là cơ bản chứ không đáp ứng đủ, nếu có phát sinh thì TP sẽ tiếp tục bố trí để hoàn tất công việc” – ông Hoan khẳng định.