Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỉ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6.2021 ước tính đạt 54 tỉ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6.2021 ước tính đạt 26,5 tỉ USD, tăng 1,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,58 tỉ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,92 tỉ USD, giảm 0,3%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 17,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 18,6%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 157,63 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,89 tỉ USD, tăng 16,8%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 116,74 tỉ USD, tăng 33%, chiếm 74,1%.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 58%).
6 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 45,1 tỉ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 24,6 tỉ USD, tăng 25,1%; thị trường EU đạt 19,3 tỉ USD, tăng 17,4%; thị trường ASEAN đạt 13,8 tỉ USD, tăng 26,3%; Hàn Quốc đạt 10,5 tỉ USD, tăng 15,2%; Nhật Bản đạt 9,9 tỉ USD, tăng 6,9%.
Bên cạnh đó, hoạt động nhập khẩu có sự gia tăng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất đã thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6.2021 ước tính đạt 27,5 tỉ USD, giảm 2,7% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,9 tỉ USD, giảm 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,6 tỉ USD, giảm 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6 tăng 33,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 27,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 37,2%.
6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỉ USD, tăng 53,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 6 ước tính nhập siêu 1 tỉ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 1,47 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỉ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,01 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 13,54 tỉ USD.
Các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các FTA song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đang mang lại nhiều lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Đáng chú ý, ngày 7.6.2021, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đã được xuất sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU. Tiếp theo đó, ngày 12.6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Dự báo hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Theo chu kỳ nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi xuất khẩu đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.
Xem thêm: odl.293729-23-noh-gnat-man-teiv-auc-uahk-pahn-taux-hcagn-mik-man-uad-gnaht-6/gnourt-iht/nv.gnodoal