Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh lịch sử trong bối cảnh nghẽn lệnh giao dịch diễn ra trầm trọng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến phiên hôm nay 5/7, khi HOSE vận hành hệ thống giao dịch mới do Công ty cổ phần FPT cung cấp, các lỗi giao dịch không còn thì chỉ số lại điều chỉnh giảm mạnh. Theo giới chuyên gia, đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh và thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: "Sau một thời gian phấn khích, thị trường có thể điều chỉnh giảm khoảng 7-10%, lúc đó nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phải thấy rằng đây là cú điều chỉnh cần thiết để cho thị trường lành mạnh".
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện đã chiếm tới 90 - 95% trong giao dịch hàng ngày. Thanh khoản thị trường tăng vọt, trung bình mỗi phiên gần đây thanh khoản đã lên khoảng 1,5 tỷ USD.
Thị trường có thanh khoản cao sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút dòng tiền vào kênh chứng khoán. Trong khi đó, những kênh đối trọng với kênh chứng khoán đang tỏ ra kém hấp dẫn hơn, như kênh tiết kiệm lãi suất rất thấp, kênh bất động sản rủi ro còn rất lớn nên kênh chứng khoán vẫn "nổi" hơn rất nhiều so với các kênh đầu tư khác.
"Tiền sẽ vẫn chảy vào kênh chứng khoán. Có thể có những lúc dòng tiền sẽ bị rút ra đôi chút, nhưng sau đó sẽ lại quay lại nhanh chóng", ông Minh nhận định.
Bảng giá chứng khoán tại sàn HOSE. Ảnh minh họa - Hứa Chung.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đánh giá, với mức tăng trưởng của thị trường hiện nay, chỉ số VN-Index khoảng trên 1.400 điểm thì theo đánh giá của một số đơn vị nghiên cứu, thị trường chứng khoán vẫn còn dư địa tăng.
"Đặc biệt, với việc kiểm soát dịch bệnh hiện nay, tôi nghĩ rằng các khu vực sản xuất kinh doanh, các dự án đầu tư mới có lẽ cũng chưa thực sự đưa vào triển khai, cho nên đâu đó dòng tiền vẫn vào chứng khoán", ông Sơn nói.
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán trong mỗi giai đoạn đều có cơ hội và thách thức riêng. Trong giai đoạn hiện nay, cơ hội vẫn thắng thế so với thách thức vì vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ; trong đó có độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Theo bà Tạ Thanh Bình, việc thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong thời gian gần đây thể hiện rõ kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), hiện tại nhà đầu tư khá kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II/2021. Nhưng nếu kết quả kinh doanh quý II/2021 được công bố không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, thị trường có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Xu hướng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, bất động sản, tài nguyên cơ bản. Lợi nhuận của các nhóm ngành này sẽ có tác động lớn đến thị trường trong thời gian tới.
Ông Nam dự báo những nhóm ngành này có tốc độ phát triển tương đối tích cực, nhưng sẽ chậm lại so với quý I/2021 và mức độ phân hóa của các nhóm cổ phiếu này cũng sẽ cao hơn.
"Trong 6 tháng cuối năm, tôi nghĩ thị trường sẽ tương đối tích cực. Tuy vậy, sẽ diễn ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhiều hơn", vị chuyên gia nói.
Chỉ số chứng khoán phiên 5/7 điều chỉnh giảm mạnh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhìn nhận, thị trường chứng khoán còn dư địa tăng trưởng tiếp trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường cần có giai đoạn điều chỉnh ngắn trước, sau đoạn điều chỉnh này, thị trường sẽ tăng tiếp. Giai đoạn điều chỉnh của thị trường có thể kéo dài 1 vài tuần hoặc 1 vài tháng, nhưng sau đó, VN-Index sẽ tiếp tục đi lên. Ông Khánh nhận định, mốc mục tiêu cao nhất cho chỉ số VN-Index trong năm 2021 ở mức 1.500 điểm.
Ông Trần Việt Dũng - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội chia sẻ, hiện tại, HOSE đưa hệ thống mới vào giao dịch là rất tích cực, tạo niềm tin cho các bên tham gia thị trường.
Theo ông Dũng, thị trường lại giảm mạnh ngay đúng vào phiên vận hành hệ thống mới là do VN- Index đã tăng rất nhiều, vượt 1.400 điểm. Đây là mốc cao và rất nhạy cảm, dễ gặp điều chỉnh. Đặc biệt, tham gia thị trường đa số là các nhà đầu tư cá nhân, do đó càng dễ "lung lay" hơn.
Ông Dũng cho biết, ông có chiến lược đầu tư dài hạn nên thị trường có bị "xáo trộn" cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả đầu tư.
Theo nhà đầu tư này, thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm có lẽ vẫn tích cực. Theo ông Dũng, giai đoạn này ông "bám sát" doanh nghiệp trên doanh mục đầu tư, chứ không quan tâm nhiều đến chỉ số chung thị trường và việc mua bán của nhà đầu tư nước ngoài.
Cuối phiên sáng 5/7, hàng loạt nhóm cổ phiếu như chứng khoán, dầu khí, thép, hàng không… chìm trong sắc đỏ. Cả 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán đều giảm điểm; trong đó, VN - Index giảm tới hơn 13 điểm.
Đến phiên chiều, tình hình vẫn không được cải thiện nhiều, sắc đỏ lan rộng và các chỉ số vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Chốt phiên giao dịch 5/7, VN-Index giảm 9,14 điểm xuống 1.44,13 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 817,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 28.036 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản rất cao. So với phiên giao dịch trước đó ngày 2/7, mức thanh khoản này tăng hơn 23%.
Toàn sàn HOSE có 112 mã tăng giá, trong khi có 287 mã giảm giá và 28 mã đứng giá.
HNX- Index giảm nhẹ 0,25 điểm xuống 327,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 143,54 triệu đơn vị, tương ứng gần 3.370 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 158 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,17 điểm xuống 90,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 92,2 triệu đơn vị, tương ứng trên 1.812,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 111 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 72 mã đứng giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.87813448150701202-teiht-nac-al-hnihc-ueid-hnid-pal-peit-neil-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv