- Xét nghiệm COVID-19 cho thí sinh, cán bộ coi thi tốt nghiệp THPT
- Một tài xế xe tải di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về TP Long Xuyên nghi nhiễm COVID-19
- Bệnh viện Đại học Y dược tạm ngưng nhận bệnh nhân vì phát hiện 4 ca COVID-19
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. |
Bộ trưởng Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục gia tăng. Nếu làm tốt và quyết liệt các biện pháp, thành phố có thể kiểm soát dịch trong 7 ngày tới. Có 2 nguyên nhân khách quan khiến số ca mắc ngày càng tăng tại TP Hồ Chí Minh là biến chủng virus Delta có tốc độ và khả năng lây lan mạnh và mật độ dân cư tại TP Hồ Chí Minh đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan của dịch bệnh.
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, một số quận, huyện, phường, xã tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của UBND thành phố; chưa phát huy hết sức mạnh của hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở; việc thực hiện tổ COVID-19 cộng đồng, phương châm 4 tại chỗ còn hạn chế…
Bên cạnh đó, thành phố cũng còn gặp khó khăn trong thực hiện chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng. Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố gặp tình trạng quá tải; thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm; việc điều phối xét nghiệm giữa các đơn vị chưa tốt; công tác cách ly chưa nghiêm ngặt và linh hoạt; phương án chống dịch tại nhà máy, khu công nghiệp chưa thực sự đi vào thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế |
Từ việc phân tích những mặt còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị thời gian tới, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 10, mở rộng một số khu vực, địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường truyền thông, kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết. Áp dụng linh hoạt chiến lược cách ly, áp tiết chế cách ly tập trung cho vùng lõi, vùng phong toả. Cần nâng cao hơn trách nhiệm hệ thống chính trị cơ sở, phường, xã, nâng cao hiệu quả tổ COVID-19 cộng đồng, tổ COVID-19 tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… Tiếp tục triển khai quyết liệt chống dịch trong nhà máy, cơ sở sản xuất. Có phương án cách ly cho công nhân lao động, chia ca, sản xuất giãn cách, cách ly tại nhà máy. Các khu cách ly tập trung phải đảm bảo các tiêu chuẩn phòng chống dịch, nhất là phải có khu vực vệ sinh riêng.
Tổ chức lại công tác xét nghiệm, thành lập các bộ phận xét nghiệm tại quận, huyện và giao địa phương tự điều phối phòng xét nghiệm tại các bệnh viện tư nhân trên địa bàn. Tăng cường sử dụng test kháng nguyên nhanh, sử dụng phương thức xét nghiệm gộp mẫu, rút ngắn thời gian trả kết quả trong vòng 6 tiếng. Việc xét nghiệm nên có trọng tâm, trọng điểm, khuyến cáo làm 3 ngày/lần tại các khu phong toả, 7 ngày/lần tại khu vực nguy cơ cao. “Ngành y tế quốc gia sẽ tiếp tục đồng hành và điều phối nguồn nhân lực hỗ trợ kịp thời TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức của các tỉnh có dịch, trong đó có TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, các lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, khó dự đoán, khó lường tại khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh, nếu không có biện pháp điều chỉnh nhanh, tích cực, hiệu quả hơn thì tình hình sẽ mất kiểm soát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng căn cứ tình hình cụ thể để xác định thứ tự ưu tiên giữa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho rằng, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực, việc phòng, chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý. Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát, nắm chắc tình hình để kịp thời điều chỉnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo cho hiệu quả. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Căn cứ tình hình cụ thể, TP Hồ Chí Minh và các địa phương điều chỉnh cách thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, có thể giao Phó Chủ tịch, Chủ tịch hoặc Bí thư phụ trách.
Về công tác cách ly, theo Thủ tướng nếu cách ly, phong tỏa vội vàng trên diện rộng thì dễ cho người chống dịch nhưng làm khó cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để cách ly, phong tỏa, giãn cách phù hợp; cách ly, phong tỏa diện hẹp, giãn cách diện rộng, thần tốc xét nghiệm, nhanh chóng cách ly các ca F0. Đồng thời, làm tốt hơn nữa yêu cầu “4 tại chỗ”, tránh bị động, lúng túng khi dịch bệnh xảy ra. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ và rộng rãi, vừa làm vừa hoàn thiện dần. Thí điểm việc tự xét nghiệm, cách ly F1 tại nhà.
Trong bối cảnh nguồn cung vaccine dự báo là khan hiếm trên phạm vi toàn cầu cho tới tháng 9, bên cạnh việc Chính phủ tích cực để triển khai chiến lược vaccine, khuyến khích các địa phương chủ động tiếp cận, đưa vaccine về Việt Nam nhiều nhất, nhanh nhất có thể, nhưng Bộ Y tế phải là đầu mối kiểm soát chất lượng, cấp phép, bảo quản; tập huấn kỹ càng, triển khai chiến dịch tiêm vaccine bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng và hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Chính phủ và các bộ ngành sẽ tháo gỡ, xử lý mọi khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu 3 không (không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm).