Nhiều tiểu thương chợ Bình Điền không có giấy xét nghiệm COVID-19 nên phải quay về, tối 5-7 - Ảnh: TỰ TRUNG
Tính đến trưa 5-7, có ít nhất 18 tỉnh thành phát sinh ca mắc COVID-19 có lịch sử dịch tễ liên quan đến vùng dịch TP.HCM. Đặc biệt phần lớn số ca mắc có liên quan trực tiếp đến 2 chợ đầu mối lớn nhất ở TP.HCM là Hóc Môn và Bình Điền được Bộ Y tế công bố.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM - cho rằng việc liên thông, giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh đang đặt ra một tình thế phức tạp trong phòng chống dịch: người từ TP.HCM đến các địa phương gây dịch hoặc ngược lại.
Từ TP.HCM, dịch đã lây ra 7 tỉnh ĐBSCL, 5 tỉnh Đông Nam Bộ và "vươn vòi" lên các tỉnh Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, thậm chí "chạy" ra các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Phú Yên, Nghệ An.
Giao thương không thể dừng lại nhưng trước việc nhiều tỉnh thành đã yêu cầu phải có giấy chứng nhận có kết quả xét nghiệm âm tính, hoạt động xét nghiệm hiện nay như thế nào?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tính đến giữa tháng 6-2021 cả nước có 154 đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định COVID-19 với khoảng 175 phòng xét nghiệm (cả khẳng định và sàng lọc) rải khắp các tỉnh thành cả nước.
Bộ Y tế đồng thời cấp phép 31 loại sinh phẩm cho các kỹ thuật xét nghiệm Realtime RT-PCR, kháng nguyên nhanh và kháng thể. Công suất xét nghiệm có thể đạt khoảng 100.000 mẫu đơn/ngày.
Riêng tại TP.HCM có 24 đơn vị, bao gồm từ các bệnh viện trung ương, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và các chi cục thú y vùng của Bộ NN&PTNT.
Trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, nhiều phòng xét nghiệm khác đang tiếp tục được đầu tư. Nếu tất cả đều sử dụng hệ thống xét nghiệm RT-PCR (mode Cobas 480) công suất xét nghiệm khoảng 2.000 mẫu/ngày đêm, năng lực xét nghiệm của TP.HCM có thể đạt tới 48.000 mẫu/ngày.
Công suất này tăng 4-5 lần so với máy đời cũ, đồng thời giảm tối đa thời gian thực hiện xét nghiệm xuống chỉ còn 2 giờ.
Với tốc độ lấy mẫu hiện nay của TP.HCM (500.000 mẫu/ngày), so với năng lực xét nghiệm hiện có vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu trả mẫu nhanh chóng, chưa kể việc đảm bảo chất lượng của xét nghiệm.
Đây là bài toán khó với TP.HCM và rất cần sự chung tay hỗ trợ từ Nhà nước trong đầu tư mua sắm hệ thống xét nghiệm; huy động các nguồn lực xã hội hóa xét nghiệm và trước mắt là sự "chia lửa" từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng như các tỉnh thành.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng việc thay đổi trong chiến thuật điều tra, truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly... mới đây là rất quan trọng với TP.HCM.
Điều này không chỉ giúp kiểm soát tình hình trong thành phố, mà có tác dụng ngăn chặn nguồn lây ra các tỉnh xung quanh. Tuy vậy các chuyên gia nhấn mạnh việc này cần phải đảm bảo được áp dụng thực chất, nhanh chóng và khoa học.
"Thực chất giải pháp chống dịch thời gian qua đang có một độ chênh nhất định giữa chủ trương và thực tế.
Cụ thể là đầu vào và đầu ra trong khâu xét nghiệm chưa tương thích, tức là lấy mẫu rất nhiều (có ngày 500.000 mẫu, và hướng đến 1,4 triệu mẫu/ngày) nhưng việc phân tích trả kết quả xét nghiệm lại chậm.
Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến công việc truy vết, là lỗ hổng để virus phát tán trong cộng đồng" - một chuyên gia dịch tễ phân tích.
TTO - Hiện nhiều người dân ở TP.HCM có nhu cầu xét nghiệm COVID-19 tự nguyện nhưng không biết đến đâu, chi phí bao nhiêu...
Xem thêm: mth.29443000060701202-meihgn-tex-pik-oc-ueihn-uam-yal/nv.ertiout