Thí sinh ngồi giãn cách khi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Đa số đối tượng này sẽ thi đợt 2 nhưng có một số thí sinh sẽ thi đợt 1 theo đề xuất của địa phương.
Mặc đồ phòng hộ
Về điều này, ông Nguyễn Hữu Độ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ GD-ĐT tổ chức 2 đợt thi, trong đó đợt 1 sẽ chủ yếu là thí sinh không nằm trong diện F0, F1, F2 và không cư trú trong khu vực bị phong tỏa, cách ly nhằm đảm bảo an toàn, tâm lý yên tâm thoải mái cho thí sinh làm bài thi tốt nhất.
Tuy nhiên ở một số địa phương, đối tượng thí sinh "có F" và thí sinh ở khu phong tỏa, cách ly không có nhiều nên các địa phương đề xuất tổ chức thi luôn đợt 1.
Bộ GD-ĐT đồng ý với đề xuất này với điều kiện các địa phương phải có phương án cụ thể, chi tiết đảm bảo an toàn cho thí sinh nói chung và thí sinh trong diện "có F" và cư trú ở vùng phong tỏa, cách ly nói riêng, đúng theo yêu cầu của ngành y tế.
"Việc tổ chức thi cho thí sinh "có F" và thí sinh trong khu vực cách ly, phong tỏa cần phải có đơn đồng ý của thí sinh.
Vì các em sẽ phải mặc đồ phòng hộ và tuân thủ một số yêu cầu đảm bảo an toàn phòng dịch nên sẽ vất vả, có thể ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng làm bài thi.
Nhưng nếu các em có nguyện vọng và điều kiện đáp ứng được thì có thể cho phép thi đợt 1", ông Nguyễn Hữu Độ cho biết. Tuy nhiên, theo báo cáo về Bộ GD-ĐT, nhiều tỉnh phía Bắc vẫn quyết định để thí sinh "có F", thí sinh cư trú trong khu phong tỏa, cách ly thi đợt 2.
Khu vực thi riêng cho thí sinh F2
Nghệ An là một trong những địa phương tổ chức cho thí sinh thuộc trường hợp F2 thi đợt 1 cùng với các thí sinh khác.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An - cho hay trước ngày 30-6 theo thống kê có 62 thí sinh thuộc diện F1, 871 học sinh F2. Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 6 em F1 và hơn 150 em F2.
Sau khi tham khảo ý kiến của ngành y tế, sở quyết định cho phép các em thi trong đợt 1. Những thí sinh này sẽ được bố trí phòng thi riêng, sắp xếp tối đa 12 thí sinh/phòng thi (giảm 50% số lượng thí sinh trong một phòng thi thông thường) để đảm bảo giãn cách theo quy định.
"Những thí sinh F2, giáo viên coi thi không thuộc các đối tượng F nhưng đang ở trong vùng cách ly y tế được hỗ trợ kinh phí xét nghiệm với mức 100.000 đồng/người", ông Hoàn nói.
Tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - điểm thi lớn nhất tỉnh Nghệ An có hơn 900 thí sinh, ông Phan Xuân Hoài Linh - thư ký điểm thi - cho biết ngoài giáo viên coi thi được xét nghiệm còn hỗ trợ 14 thí sinh là F2 hoặc ở trong khu vực phong tỏa xét nghiệm.
"Thí sinh F2 được xét nghiệm âm tính sẽ thi ở hai phòng dự phòng tại khu vực riêng biệt, đảm bảo giãn cách. Các em cũng đến điểm thi và sẽ được phân luồng vào sau cùng, ra cuối mỗi buổi thi, tránh tiếp xúc với các thí sinh khác. Bài thi của các em sẽ được khử khuẩn bằng máy chuyên dụng", ông Linh nói.
Test nhanh tại các điểm thi
Ngày 5-7, ông Nguyễn Phúc Tăng, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 ở TP Cần Thơ có hơn 12.000 thí sinh đăng ký dự thi và được bố trí tại 530 phòng thi, trong tổng số 24 điểm thi trên địa bàn 9 quận, huyện của địa phương.
TP Cần Thơ cũng đã tiêm ngừa vắc xin COVID-19 cho tất cả cán bộ coi thi năm nay. Bên cạnh đó, liên quan đến công tác an toàn, an ninh cho khu vực ngoài các điểm thi, sở đã phối hợp với các sở, ban ngành tuyên truyền đến phụ huynh đưa rước học sinh an toàn cách điểm thi 50m, không tập trung đông đúc.
Riêng đối với khoảng 1.000 thí sinh tự do, TP Cần Thơ yêu cầu phải có giấy chứng nhận âm tính COVID-19 (giá trị trong 3 ngày) để được vào phòng thi. Để tạo thuận lợi cho các thí sinh này, TP Cần Thơ sẽ tổ chức test nhanh tại các điểm thi vào ngày 6-7.
Còn tại Kiên Giang, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ở địa phương sẽ bố trí 26 điểm thi (tăng 1 điểm so với năm 2020) với 595 phòng thi. Đồng thời, để phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tỉnh đã điều động 2.092 cán bộ, giáo viên làm công tác thi.
Tại huyện đảo Phú Quốc, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kỳ thi năm nay Sở GD-ĐT Kiên Giang không điều động giám thị từ đất liền ra đảo mà điều động giáo viên tại chỗ.
Về công tác vận chuyển đề thi ra đảo, sáng 5-7, đề thi đã được chở bằng tàu cao tốc ra đến các điểm thi an toàn dưới sự giám sát, bảo vệ chặt chẽ của Công an tỉnh và Công an thành phố Kiên Giang.
Dời một điểm thi trong khu vực phong tỏa
Ngày 5-7, Sở GD-ĐT Bình Dương phối hợp cùng lực lượng chức năng đã xét nghiệm nhanh COVID-19 cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi và các giám thị, cán bộ chấm thi và lực lượng hỗ trợ kỳ thi THPT trong địa bàn tỉnh.
Ước tính có 13.600 thí sinh và gần 2.000 cán bộ phục vụ kỳ thi được xét nghiệm. Tại Bình Dương có 25 điểm thi, trong đó có một điểm thi tại Trường THPT Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) nằm trong khu vực phong tỏa nên đã được dời tới địa điểm dự phòng là Trường THCS Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một.
BÁ SƠN
Hà Nội diễn tập tại 188 điểm thi
Tập huấn công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG
Tới ngày 5-7, 188 điểm thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội đã thực hiện diễn tập tổ chức kỳ thi với mục đích đảm bảo nghiêm túc và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Đây là yêu cầu bắt buộc của Ban chỉ đạo thi TP Hà Nội, nơi có thí sinh đông nhất cả nước với 101.000 thí sinh.
Các điểm thi đều diễn tập với 12 nội dung:
- Đón và hướng dẫn khi phụ huynh đưa thí sinh có mặt tại điểm thi;
- Hướng dẫn phụ huynh về điểm chờ khi có nhu cầu chờ đón thí sinh;
- Hướng dẫn, giám sát thí sinh vào điểm thi theo phân luồng, đảm bảo giãn cách;
- Đón thí sinh tại cổng trường và thực hiện quy trình phòng dịch theo quy định;
- Xử lý tình huống khi phát hiện thí sinh có dấu hiệu thân nhiệt cao, sốt, mỏi mệt tại cổng trường;
- Hướng dẫn thí sinh nhận biết vị trí phòng thi và vào các phòng thi theo phân luồng, đảm bảo giãn cách;
- Đón thí sinh tại cửa phòng thi, hướng dẫn thủ tục vào phòng thi đảm bảo giãn cách...
Theo ông Bùi Quang Thái, phó trưởng phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội), mặc dù công tác phòng dịch là vấn đề nóng của kỳ thi năm nay nhưng Hà Nội vẫn tập huấn kỹ, lưu ý các vấn đề đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi.
Cụ thể, dù số lượng phòng thi lớn nhưng sẽ sắp xếp để 1 cán bộ coi thi không coi quá 1 lần tại 1 phòng thi. Mỗi phòng thi có 2 giám thị điều động từ 2 trường khác nhau.
Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, trước khi diễn ra kỳ thi, Hà Nội đã yêu cầu cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và thí sinh hạn chế ra khỏi thành phố, hạn chế giao tiếp với người ngoài gia đình.
VĨNH HÀ
TTO - Ngày 27-5, lãnh đạo Bộ Giáo dục và đào tạo họp trực tuyến với chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành để bàn phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tình huống dịch COVID-19 phức tạp.
Xem thêm: mth.2095509060701202-f-neid-hnis-iht-ohc-iht-cuhc-ot/nv.ertiout