- Thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu
- Mỹ - Trung bắt tay hợp tác hạn chế biến đổi khí hậu
- Mỹ trở lại tuyến đầu chống biến đổi khí hậu
British Columbia lâu nay được biết đến là bang có khí hậu ôn hòa và dễ chịu bậc nhất ở Canada vào mùa hè, thế nhưng nơi này tuần vừa đã liên tiếp ghi nhận những kỷ lục mới về nhiệt độ do ảnh hưởng của hiện tượng “vòm nhiệt” tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, Guardian ngày 5/7 thông tin.
Theo quan chức bang miền Tây Canada này, British Columbia đã ghi nhận tới 719 ca thiệt mạng liên quan đến thời tiết nắng nóng, có lúc vượt 50 độ C, chỉ trong vòng một tuần, gấp 3 lần số ca thiệt mạng vì cùng lý do những năm trước đó. Nắng nóng quá mức cũng khiến đường dây điện bị hỏng, mặt đường nhựa bị hư hại và các đám cháy rừng bùng lên. Thị trấn Lytton nhỏ bé với khoảng gần 300 dân và cách thành phố Vancouver khoảng 250km về phía Đông Bắc gần như bị “xóa sổ” khi lửa cháy rừng đã thiêu trụi 90% nhà cửa và công trình trong thị trấn. Toàn bộ người dân nơi đây đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán khẩn. Miền Tây Canada hiện còn phải đối phó trên 200 vụ cháy rừng khác, với đủ quy mô lớn nhỏ.
Người Iraq đứng dưới vòi phun sương để hạ nhiệt trong mùa hè nắng nóng kỷ lục. Ảnh: Getty Images. |
Cách đó không xa, miền Tây Bắc nước Mỹ cũng đang hứng chịu tình cảnh tương tự. Nắng nóng buộc hàng loạt trường học và doanh nghiệp đóng cửa. Các điểm xét nghiệm COVID-19 và tiêm chủng lưu động phải ngừng hoạt động. Nhiều bang như Oregon, Washington ghi nhận mức nhiệt cao chưa từng thấy kể từ năm 1940, ảnh hưởng tới hoạt động chào mừng Quốc khánh 4/7. Japan Times dẫn số liệu của Oregon xác nhận ít nhất 63 công dân tại bang này đã thiệt mạng vì nóng bức. Cùng lúc đó, các bang Đông Nam nước Mỹ lại đang phải căng mình đón siêu bão Elsa-cơn bão nhiệt đới đầu tiên ở Đại Tây Dương tấn công nước Mỹ trong năm nay, với sức gió hơn 100km/h, dự báo có thể gây thiệt hại tại các khu ven biển.
Ngoài Mỹ và Canada, nhiều nước khác ở Bắc Bán cầu những tuần qua cũng phải căng mình ứng phó với thời tiết cực đoan, trong bối cảnh cuộc chiến chống COVID-19 còn chưa ngã ngũ. Thủ đô Moscow của Nga đã vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong 120 năm sau khi nhiệt độ trung bình chạm mốc 34,7 độ C. “Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu toàn cầu”, Marina Makarova, chuyên gia của Roshydromet, nói. Cyprus, quốc đảo châu Âu trên Địa Trung Hải, ngày 4/7 phải cầu viện các quốc gia láng giềng, sau khi một đám cháy rừng khổng lồ bùng lên trong thời tiết nắng nóng, khiến ít nhất 4 người chết.
Ở Ấn Độ, cơ quan khí tượng nước này thông báo thời tiết tại thủ đô New Delhi và vùng lân cận là “nắng nóng nghiêm trọng đỉnh điểm”, với mức nhiệt luôn dao động quanh 40 độ C, cao hơn 7 độ so với bình thường. Tại Iraq, chính phủ cho phép người lao động nghỉ ở nhà hôm 1/7 do thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ tại một số khu vực ở Iraq vượt 50 độ C, khiến cuộc sống của người dân quốc gia Trung Đông này thêm khốn đốn. AFP ngày 3/7 dẫn lời một cư dân tên Ali Karrar cho biết ông thậm chí phải để cậu con trai ngồi vào trong tủ lạnh vài phút để hạ nhiệt.
Thế nhưng phương pháp này có lúc không thể áp dụng vì hệ thống điện của Iraq liên tục sụp đổ, phần vì nhu cầu cao, phần vì bị Iran cắt bớt nguồn cung điện do nợ tiền điện chưa trả. Cuối tuần vừa qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố của Iraq để phản đối tình trạng cắt điện kéo dài. Tại một số nơi, người biểu tình đã đụng độ lực lượng an ninh, khiến nhiều người bị thương.
Mùa hè ở Bắc Bán cầu chỉ mới bắt đầu. Dữ liệu tổng hợp từ hơn 36.000 trạm khí tượng trên toàn cầu cho thấy Trái đất đang ấm lên liên tục và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn sẽ xảy ra thường xuyên, cường độ cao và kéo dài hơn. Các nhà khoa học nhận định, biến đổi khí hậu, với vai trò chính của con người, có trách nhiệm khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra.
“Chúng tôi nhận thấy nếu không có sự tác động của con người, thì hầu như nhiệt độ không thể đạt kỷ lục mới như vậy”, nhà khí tượng học tại Văn phòng Khí tượng Anh, Nikos Christidis, kết luận. Được biết, dù nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã dần thừa nhận biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hiện nay, nhưng giới chuyên gia vẫn kêu gọi các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu phải có những hành động quyết liệt hơn, thiết thực hơn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, với một trong những mục tiêu đã đề ra là giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp.
Sạt lở đất ở Nhật Bản nghi vùi lấp hơn 80 người Hai ngày sau vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lớn sáng 3-7 tại thành phố Atami, nơi có các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng nổi tiếng của Nhật Bản, hơn 1.500 nhân viên cứu hộ nước này mới tìm được 4 thi thể và xác nhận hơn 80 người khác vẫn đang mất tích. Theo giới chức địa phương, vụ sạt lở đã vùi lấp hàng chục ngôi nhà cùng xe cộ và đường sá, tạo ra một “dòng sông bùn” dài 2km. Theo AlJazeera, Nhật Bản hiện đang trong mùa mưa, song tình trạng biến đổi khí hậu và việc bầu khí quyển ấm lên đã gây ra những trận mưa lớn, kéo dài hơn thông thường. “Sạt lở có thể xảy ra lặp đi lặp lại tại cùng một địa điểm ngay cả khi mưa tạnh. Người dân và lực lượng cứu hộ nên duy trì tình trạng báo động”, Takeo Moriwaki, Giáo sư địa kỹ thuật tại Học viện Công nghệ Hiroshima, nói với AFP. |
Xem thêm: /296846-uac-naB-caB-tod-ueiht-gnouht-tab-gnon-gnaN/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna