Trước đó, ông Đặng Văn Quyết đứng ra thỏa thuận với một đối tượng tên Phạm Thị Thu Phương, trú tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, về việc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất rộng tới gần 7.000m2, mặt tiền đường Nguyễn Thị Định, trong đó cam kết có 500m2 đất ở đối với thửa đất số 71, tờ bản đồ 58, thuộc địa phận thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới với giá 500 triệu đồng (chưa kể tiền thuế). Chỉ sau vài tháng giao dịch, ông Quyết đã được đối tượng Phương gửi cho văn bản thông báo thuế của Cục thuế tỉnh Quảng Bình, với số tiền cần phải đưa thêm cho Phương là hơn 900 triệu đồng để Phương đứng ra nộp thuế giúp ông Quyết.
Đối tượng Phạm Thị Thu Phương tại cơ quan điều tra. |
Để tạo lòng tin đối với ông Quyết, đối tượng cho biết mình quen biết rộng, có nhiều mối quan hệ để nhanh chóng làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông Quyết, vì vậy ông chẳng mảy may nghi ngờ gì. Ông Quyết đã chuyển cho Phạm Thị Thu Phương nhiều lần, tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa dừng lại ở đó, Phương tiếp tục yêu cầu ông Quyết phải chuyển đủ thêm 1 tỷ đồng nữa, mới bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Khi làm việc với các đơn vị liên quan của UBND xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, thì ông Thái Huy Hoàng, cán bộ địa chính xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hết sức bất ngờ vì xã không hề nhận được hồ sơ về việc chuyển đổi mục đích sử dụng của chủ thửa đất này.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã xác định được đối tượng Phạm Thị Thu Phương (SN 1979, trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là người thực hiện hành vi lừa đảo. Vào chiều 14/4, tại phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, Công an TP Đồng Hới phát hiện Phạm Thị Thu Phương đang giao cho ông Đặng Văn Quyết, trú tại xã Đức Ninh, TP Đồng Hới 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CR785550 mang tên Đặng Văn Quyết, trú tại thôn Đức Thị, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cấp ngày 1/4/2021.
Quá trình điều tra, Phạm Thị Thu Phương khai nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Đặng Văn Quyết là do Phương làm giả, đặt trên mạng xã hội để đưa cho ông Quyết nhằm mục đích tạo lòng tin để chiếm đoạt số tiền hơn 1,19 tỷ đồng của anh Quyết. Phương khai rằng, do nợ nần nên đã dùng số tiền chiếm đoạt để trả tiền cho công nhân khi xây dựng đường cao tốc, một phần khác trả lãi ngân hàng. Trước mắt, đã bán xe, rao bán nhà, dùng tiền bảo hiểm để khắc phục hậu quả cho người bị hại nhưng vẫn cần thời gian dài để có thể bán hết được…
Khám xét phương tiện và nơi ở của Phạm Thị Thu Phương, cơ quan Công an đã phát hiện và thu giữ thêm 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1 giấy thông báo nộp thuế nhà đất giả. Phương đã liên kết với nhiều đối tượng khác, thực hiện việc làm giả nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các văn bản thông báo thuế, con dấu của Cục thuế và Sở Tài nguyên Môi trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đồng Hới đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thu Phương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chuyển giao vụ án làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đối tượng Phạm Thị Thu Phương đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Thiếu tá Ngô Quý Thanh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết: Thời gian qua đơn vị đã nhận được nhiều đơn thư liên quan đến vấn đề lừa đảo về vấn đề này. Thủ đoạn các đối tượng thường lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân liên quan đến các thủ tục pháp lý, đưa ra thông tin gian dối, đưa ra các giấy tờ giả liên quan đến hoạt động giao dịch. Đây là một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Cơ quan điều tra cảnh báo người dân cần tìm hiểu kĩ các quy trình quy định liên quan hoạt động giao dịch, xây dựng ý thức phòng ngừa. Các đối tượng thường sử dụng, tẩu tán tài sản rất nhanh, việc thu hồi của cơ quan điều tra rất khó khăn. Trường hợp của ông Quyết chỉ là điển hình trong số những nạn nhân nằm trong nhiều đường dây lừa đảo của tội phạm. Có những nạn nhân công khai danh tính, có nạn nhân lại muốn giấu đi vì một số lý do cá nhân, nhưng điểm chung của họ đều phải chịu những hậu quả nặng nề, lâm vào cảnh khốn cùng...
Có thể nói, bất động sản là một lĩnh vực nhạy cảm, bởi số tiền giao dịch thường khá lớn nên nhiều đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân thiếu hiểu biết. Người dân cần phải tỉnh táo khi thực hiện trao đổi, mua bán, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, cần phải được xác minh rõ ràng của cơ quan có thẩm quyền.
Xem thêm: /986846-od-os-aig-mal-yad-gnoud-yat-taL/mahp-iot-tev-uad-oeht-naL/nv.moc.dnac