- Phát động sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi
- Cuộc thi viết và sáng tác ca khúc về sinh viên Việt Nam
Trung tuần tháng 5 vừa qua, Đài Tiếng nói Việt Nam phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề "Hát lên Việt Nam - Let'sing Vietnam" với mục đích khuyến khích sáng tác những ca khúc mang âm hưởng ngợi ca quê hương, đất nước, con người Việt Nam, ngợi ca sức trẻ, thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
Có thể nói, đây là cuộc vận động sáng tác rộng rãi và khá toàn diện dành cho các tác giả chuyên và không chuyên trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và những tác giả người nước ngoài. Ngoài ra, cuộc thi còn hướng đến những dấu mốc có tính chất lịch sử như năm 2030 là kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, năm 2045 là kỷ niệm 100 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuộc vận động cũng mong muốn có được những sáng tác phản ánh cuộc sống của nhân dân đang từng ngày thay đổi trong công cuộc xây dựng đất nước hay cuộc chiến chống dịch bệnh COVID - 19. Những ca khúc chất lượng cao sẽ được dàn dựng, thu thanh, giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình và các nền tảng số của Đài Tiếng nói Việt Nam để mang tới đông đảo công chúng.
Ca khúc “Việt Nam ơi” của Minh beta đã có thêm phiên bản “Việt Nam ơi đánh bay COVID”. |
Không thể phủ nhận thời gian qua, trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID - 19, âm nhạc đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Từ cuộc chiến chống COVID - 19, những ca khúc tuyên truyền ý thức phòng chống dịch bệnh, cổ vũ những người ở tuyến đầu chống dịch đã ra đời. Có những ca khúc đã được vượt ra ngoài biên giới đất nước, được khán giả quốc tế đón nhận. Cùng với đó, những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của ý chí, nghị lực và tâm hồn con người Việt Nam cũng đã xuất hiện, mang đến cảm xúc xúc động, tự hào.
Thực tế, trong những ngày chống dịch vừa qua, đã có hàng loạt ca khúc ra đời để cổ vũ tinh thần toàn dân chống dịch, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Điều đó cho thấy, đề tài quê hương, Tổ quốc vẫn là một đề tài lớn mà các tác giả luôn ấp ủ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình.
Sáng tác là một trong những thế mạnh của âm nhạc Việt Nam. Trải qua các giai đoạn từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, âm nhạc Việt Nam luôn xuất hiện nhiều tác giả với những tác phẩm mang dấu ấn thời đại.
Những sáng tác của các nhạc sĩ trong mỗi thời kỳ đều cho thấy tài năng, đặc biệt là tình yêu của họ với quê hương đất nước, với cuộc sống của nhân dân. Bằng những sáng tác của mình, các nhạc sĩ đã thể hiện thái độ công dân, trách nhiệm với Tổ quốc thông qua tác phẩm mang tính giá trị nghệ thuật cao đã làm nên những tác phẩm sống mãi với thời gian.
Sau này, tiếp theo thế hệ đàn anh, một lực lượng sáng tác trẻ đã xuất hiện mà mang đến cho âm nhạc những làn gió mới, sự phong phú, đa dạng từ nội dung đến hình thức. Hàng trăm tác phẩm ra đời mỗi năm với nhiều nội dung phản ánh đề tài cũng như hình thức thể hiện. Ngôn ngữ âm nhạc cũng có những bước tìm tòi mới, hòa âm phối khí với nhiều sáng tạo mang tính quốc tế.
Mặc dù đời sống âm nhạc được đánh giá là sôi động bậc nhất trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, mặc dù bất chấp hoàn cảnh dịch bệnh, mỗi ngày vẫn có khá nhiều sản phẩm âm nhạc, MV mới của ca sĩ được ra mắt nhưng số lượng ca khúc hay vẫn vô cùng hạn chế. Tình yêu quê hương, đất nước là đề tài lớn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thời gian gần đây, số ca khúc về đề tài này có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng không nhiều. Đặc biệt, những bài hát chất chứa tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc là điều mà công chúng luôn mong mỏi.
Ngoài giai điệu hấp dẫn, những sáng tác của Đen Vâu thường có ca từ sâu sắc, giàu cảm xúc. |
Không chỉ với những ca khúc đề tài quê hương, đất nước mà ngay cả những với đề tài tình yêu cũng thiếu vắng những tác phẩm hay. Trong những năm gần đây, thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam ghi nhận sự phát triển nhanh chóng số lượng tác giả trẻ. Tuy nhiên, mặc dù rất sôi động, nhộn nhịp nhưng không nhiều ca khúc để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
Với đặc trưng riêng, âm nhạc là lĩnh vực mà bất cứ ai, từ chuyên nghiệp đến không chuyên đều có thể thử sức mình. Tuy nhiên, một điều mà nhiều người lo ngại là mặc dù vô vàn sáng tác mới ra đời nhưng rất ít tác phẩm đọng lại trong lòng công chúng, ghi danh lại trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Sự thiếu vắng ca khúc hay là tình trạng ở nhiều mảng đề tài. Mảng ca khúc thiếu niên, nhi đồng cũng ít có được những tác phẩm hay. Bao năm trôi qua, nhưng sân khấu ca nhạc thiếu nhi vẫn thuộc về những ca khúc có tuổi đời lên tới nửa thế kỷ. Thiếu vắng ca khúc hay cho thiếu nhi vẫn là điều mà những người làm nghề canh cánh trong lòng. Nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác nhạc cho thiếu nhi được tổ chức nhưng không nhiều ca khúc đọng lại với thời gian, trong tâm hồn các em nhỏ.
Gần đây có một xu thế là đa phần các nhạc sĩ trẻ chỉ tập trung viết ca khúc thị trường nhạc Pop, không quan tâm nhiều đến dòng âm nhạc chính thống, kinh điển bác học và dòng âm nhạc cổ truyền. Những ca khúc nhạc Pop đơn giản, viết nhanh lại dễ dàng được biểu diễn nên càng khiến các nhạc sĩ trẻ tập trung vào. Thậm chí, ngay ở mảng ca khúc hiện đại về tình yêu xuất hiện nhiều như "nấm mọc sau mưa" thì tìm những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao vẫn như mò kim đáy bể.
Sau những "cây đa cây đề" như nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, là những nhạc sĩ tên tuổi như Dương Thụ, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Dương Thụ... và gần đây là những tác giả trẻ như Đỗ Bảo, Lưu Hà An, Giáng Son, Hồ Hoài Anh, Sa Huỳnh... đã có những đóng góp nhất định cho âm nhạc đương đại.
Tuy nhiên, những tác giả khiến khán giả nhớ tên như vậy ngày càng ít. Thị trường nhan nhản những ca khúc loanh quanh nội dung yêu đương, thất tình tới mức nhàm chán, ca từ nghèo nàn, nhạt nhẽo, thậm chí phản cảm. Nhưng vì sáng tác nhanh, không mất nhiều thời gian mà vẫn có thu nhập, lại đáp ứng được thị hiếu của một bộ phận giới trẻ nên các tác giả trẻ tiếp tục đẻ sòn sòn.
Có ý kiến cho rằng, bởi chịu ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, guồng quay showbiz, vô vàn các sân chơi âm nhạc đã khiến tác phẩm mới ra đời nhanh nhưng nghiêng về sản phẩm giải trí đơn thuần, thậm chí ít tính giáo dục, tính thẩm mỹ. Nhiều lần, các nhà chuyên môn cũng đã cảnh báo trước hiện tượng lệch lạc của một số bài hát mang tính thị hiếu tầm thường, chạy theo đám đông, ca từ lai căng, thậm chí thô tục, phản cảm.
Sự thiếu vắng những ca khúc hay đã là nguyên nhân của một số trào lưu trong âm nhạc hiện nay như sự trở lại của nhạc Hoa lời Việt sau gần 2 thập niên từng gây bão trên thị trường nhạc Việt. Đầu năm 2021, trên các bảng xếp hạng âm nhạc hay mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok xuất hiện nhiều ca khúc nhạc Hoa lời Việt được thể hiện bởi các ca sĩ trẻ như Trần Quang Đăng, Juky San, Tăng Phúc, Thiên Tú... Đây được coi là xu hướng thịnh hành trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu tiếp tục để trào lưu này lấn át thị trường âm nhạc trong một thời gian dài thì nguy cơ mất đi tính sáng tạo của nhạc Việt là điều đáng lo ngại.
Trào lưu nhạc Hoa lời Việt có thể khiến một số nghệ sĩ trở nên lười biếng, chỉ nhăm nhăm tìm những bản nhạc Hoa "hot" sau đó phổ lời Việt là có thể cầm chắc thành hit ngay ngày mai. Chưa kể tới việc tranh cãi về bản quyền sẽ xuất hiện nhiều khi chúng ta đều ở trong thế giới phẳng.
Dẫu sôi động và đa sắc nhưng thị trường nhạc Việt vẫn đang thiếu những ca khúc có ý nghĩa sâu sắc dành cho các đối tượng nghe nhạc khó tính, có gu âm nhạc nhất định. Để khắc phục điều này, phần lớn hy vọng vào tài năng và tâm huyết của người nghệ sĩ. Nhưng cơ quan quản lý, hội âm nhạc, cơ quan truyền thông... cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc đãi cát tìm vàng, tôn vinh và lan tỏa những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao.
Khánh ThảoXem thêm: /715846-ti-tahc-ueihn-gnouL-iom-cuhk-ac-cat-gnaS/aoh-nav-gnos-iod/nv.moc.dnac.acnv