Ngày 19.9, HĐXX thẩm vấn phía ông Nguyễn Đức An (61 tuổi, Việt kiều Mỹ) và bà Phạm Thị Ngọc Thúy (43 tuổi, cựu siêu mẫu Ngọc Thúy) liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu tài sản và chia tài sản chung sau ly hôn giữa các bên.
Theo đó, chủ tọa - thẩm phán Lê Ngọc Tường, đặt các câu hỏi về căn cứ mà nguyên đơn là ông Nguyễn Đức An khởi kiện đề nghị TAND TP.HCM công nhận một số tài sản tại Việt Nam do bà Thúy sở hữu, quản lý là tài sản riêng của ông, từ đó giao quyền sở hữu cho hai con chung giữa ông An và bà Thúy.
Mua khối tài sản hơn 136 tỉ đồng, tiền từ đâu?
Đại diện ủy quyền của ông Nguyễn Đức An trả lời, danh mục tài sản tại Việt Nam được ông An đề nghị xác lập sở hữu riêng được mua bằng tiền riêng của ông An, được ông tạo lập từ năm 1990 đến năm 2007. Số tiền ông An gầy dựng khoảng hơn 13 triệu USD, và được gửi trong một ngân hàng tại Mỹ.
Theo phía ông An, sau đó ông An đã thông qua các công ty dịch vụ để gửi về Việt Nam hơn 3,7 triệu USD, 42 tỉ đồng để bà Thúy mua 39 tài sản tại Việt Nam.
Tiền gửi về, công ty dịch vụ này đưa tiền mặt trực tiếp cho bà Thúy. Bà Thúy dùng một phần thanh toán mua các tài sản, số tiền mặt còn lại được bà Thúy gửi vào các tài khoản ngân hàng của mình.
Cho rằng cựu siêu mẫu Ngọc Thúy đang còn giữ hơn 400 triệu đồng và hơn 447.377 USD trong tài khoản, nên ông An yêu cầu bà Thúy hoàn trả lại.
Khi chủ tọa hỏi việc giao tiền mặt giữa công ty dịch vụ và bà Thúy có chứng từ gì chứng minh, phía ông An trả lời: “Việc giao nhận tiền tại Việt Nam các bên không ký nhận”.
Song, đại diện của ông An nêu đã nộp cho tòa các chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng, thông tin tài khoản ngân hàng của ông An, hồ sơ khai thuế của ông An tại Mỹ thể hiện các thu nhập của ông An từ khi trưởng thành, kết hôn và ly hôn.
“Chính cha mẹ, anh em ruột, người thân của bị đơn đều thừa nhận bị đơn (là bà Thúy - PV) sống với gia đình từ nhỏ, không có nguồn thu nhập để tạo ra khối tài sản đang tranh chấp. Và tiền mua 39 tài sản là của ông An”, đại diện của ông An trình bày.
Vị này cũng nói thêm, toàn bộ tài sản mua trong năm 2007, năm 2008 theo bà Thúy trình bày là khoảng 136 tỉ đồng. Vậy trong 2 năm 2007 - 2008, bà Thúy lấy tiền đâu mua khối tài sản này, đề nghị tòa làm rõ.
Ngược lại, đại diện ủy quyền của bà Thúy không thống nhất với các trình bày của phía ông An. Phía bà Thúy chỉ thừa nhận đã nhận của ông An 3,7 triệu USD, nhưng đây là nguồn tiền chung của vợ chồng, ông An gửi về để mua tài sản tại Việt Nam.
Thỏa thuận xác lập tài sản riêng tại Mỹ
Tại tòa, phía ông An cũng nêu một trong những căn cứ để nguyên đơn đưa ra yêu cầu xác lập tài sản riêng, rằng các bên đã từng thỏa thuận tài sản riêng, chung và một số vấn đề khác vào ngày 7.12.2011, do tòa án cấp cao California (Mỹ) đã đưa ra phán quyết.
Trong đó, về phân chia tài sản, ghi rõ danh sách tài sản riêng của bà Thúy; danh sách tài sản được giữ trong một công ty do ông An và bà Thúy đồng sở hữu ngang nhau vì lợi ích của các con; và danh sách các tài sản của ông An.
Tại tòa, phía bà Thúy phản đối, cho rằng bản thỏa thuận ngày 7.12.2011 không còn giá trị. Bởi theo bản án ngày 12.5.2014 của tòa thượng thẩm bang Califonia, tài sản và bất động sản tại Việt Nam không thuộc thẩm quyền của tòa thượng thẩm của tiểu bang California, tương ứng, bà Thúy được miễn tuân theo bản thỏa thuận lập ngày 7.12.2011.
Sau khi nghe phía bà Thúy công bố bản án trên, đại diện ông An cho biết phía ông An không hề biết bản án này, và có ý kiến rằng “bản án ngày 12.5.2014 ban hành do bà Thúy có yêu cầu thực thi thỏa thuận năm 2011 tại Mỹ. Tòa ở Mỹ trả lời không giải quyết do bất động sản và tài sản ở Việt Nam, không ở Mỹ. Hơn nữa, trong bản án ngày 12.5.2014 không hề tuyên hủy thỏa thuận ngày 7.12.2011, mà chỉ nói miễn trừ một số nghĩa vụ liên quan”.
Sau khi nghe ý kiến các bên, chủ tọa cho biết sẽ đánh giá các chứng cứ do các bên cung cấp.
Ngày mai (20.9), phiên tòa sẽ tiếp tục.