Ngày 5-7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Trong cuộc họp, cả ba nhà lãnh đạo đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận đầu tư giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) và bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận sẽ sớm được thông qua.
Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: REUTERS
Thỏa thuận này trước đó đã bị Nghị viện châu Âu hoãn lại nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc đối với một số thành viên EU.
Cuộc gọi giữa ba nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh quan hệ EU - Trung Quốc đang ngày càng xấu đi. Các căng thẳng giữa hai bên chủ yếu xoay quanh những lo ngại liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và các hành động của Trung Quốc đối với các thể chế của EU và các quốc gia thành viên.
Theo thông báo từ chính phủ Pháp, ông Macron và bà Merkel đã "bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và nhắc lại những yêu cầu của họ liên quan cuộc chiến chống lao động cưỡng bức".
Tuy nhiên, ông Tập cho biết cả ba đã dành phần lớn thời gian để thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác và mở rộng mối quan hệ EU - Trung Quốc khi đối mặt với sự nghi ngờ và trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game: tình huống mà một bên thu lợi khi phía còn lại chịu thiệt hại tương ứng).
Ông cho biết các nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục làm việc cùng nhau trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, ứng phó đại dịch COVID-19 và thương mại quốc tế.
"Thế giới cần sự tôn trọng lẫn nhau và sự hợp tác chân thành hơn bao giờ hết, thay vì sự nghi ngờ và những trò chơi có tổng bằng không. Hy vọng rằng Trung Quốc và EU sẽ mở rộng sự đồng thuận và hợp tác và đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng phó thích hợp với các thách thức toàn cầu" - ông Tập nói.
Theo thông tin từ phía Trung Quốc, Pháp "cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc một cách thực chất, ủng hộ việc ký kết thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, tăng cường trao đổi văn hóa và hoan nghênh các công ty Trung Quốc đầu tư vào Pháp".
Trong khi đó, bà Merkel nói: "Đức ủng hộ việc triệu tập Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 23 càng sớm càng tốt và hy vọng rằng Thỏa thuận đầu tư giữa EU-Trung Quốc cũng sẽ được thông qua càng sớm càng tốt".
Bắc Kinh cho biết bà Merkel đã "bày tỏ lời chúc mừng tới Trung Quốc vì đã vượt qua tác động của đại dịch và dần phục hồi và phát triển kinh tế".
Bản tóm tắt cuộc gọi do văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra cho biết cả ba đã "đặc biệt trao đổi quan điểm về tình trạng quan hệ giữa EU và Trung Quốc" và "cũng nói về thương mại quốc tế, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học".
Dù cuộc điện đàm đạt được một số kết quả nhất định, dự kiến ngày 8-7 Nghị viện châu Âu sẽ tranh luận và bỏ phiếu để quyết định hành động kế tiếp liên quan vấn đề Hong Kong sau khi nhật báo Apple Daily của thành phố bị đóng cửa.
Theo dự đoán của SCMP, các lãnh đạo EU có thể sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Trung Quốc có liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương và hỗ trợ cho các nhân viên truyền thông ở Hong Kong có nguy cơ bị bắt giữ dưới luật an ninh quốc gia.