Tiêm vắc xin COVID-19 không phải chỉ là để bảo vệ bản thân bạn, mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ những người thân xung quanh, gia đình, bạn bè và toàn thể xã hội.
Đó là bởi vắc xin đã được chứng minh giúp làm giảm nguy cơ mắc COVID-19, làm giảm các ca mắc có triệu chứng từ nhẹ cho đến nguy kịch. Những người đã được tiêm vắc xin COVID-19 ngay cả khi nhiễm bệnh thì vẫn ít có khả năng lây cho người khác hơn và nguy cơ tử vong của bản thân họ cũng thấp hơn.
Ngược lại thì sao? Trong trường hợp không tiêm vắc xin, không những bạn đang đặt bản thân mình vào nguy cơ mà còn biến chính bản thân mình trở thành một quả bom nổ chậm với toàn xã hội.
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết: "Bất kể ai chưa được tiêm chủng lúc này cũng là những nhà máy sản xuất biến thể virus tiềm năng. Càng có nhiều người chưa được chủng ngừa, virus càng có nhiều cơ hội sinh sôi nảy nở.
Và khi điều đó xảy ra, virus sẽ đột biến. Trong tương lai, nó có thể tạo ra những dạng đột biến thậm chí còn nghiêm trọng hơn các biến chủng đã xuất hiện vào lúc này".
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư tại Khoa Các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt
Một đặc trưng của virus, bao gồm cả SARS-CoV-2, là chúng luôn đột biến và đột biến rất nhanh. Cứ sau một lần phân chia, virus lại có thể tích lũy được những thay đổi trên bộ gen của chúng. Mặc dù hầu hết các thay đổi di truyền này là vô hại, nhưng vẫn có một số đột biến có thể khiến virus trở nên nguy hiểm hơn, lây nhiễm nhanh hơn hoặc có khả năng trốn tránh các cơ chế miễn dịch.
Các biến thể mạnh lên của virus vì vậy có thể cạnh tranh với các chủng virus cũ, sau đó trở thành nguồn lây nhiễm chính trong cộng đồng. Đối với COVID-19, kể từ đầu đại dịch tới nay các nhà khoa học đã xác định được rất nhiều biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm.
Đáng lo ngại nhất cho đến nay là biến thể Delta. Mới được xác định lần đầu vào tháng 10 năm ngoái ở Ấn Độ, nhưng tới nay đã xuất hiện ở gần 100 quốc gia dẫn đến sự gia tăng số ca bệnh và số ca nhập viện, đặc biệt là ở những khu vực chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao.
Tổ chức Y tế Thế giới sử dụng thuật ngữ "biến đáng lo ngại" để biểu thị các chủng SARS-CoV-2 đang làm gia tăng rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Họ sử dụng thuật ngữ "biến thể mới nổi cần quan tâm" cho những biến thể cần phải được giám sát chặt chẽ vì nguy cơ tiềm ẩn mà chúng gây ra đang tăng lên.
Các biến thể bây giờ được gọi tên bằng các chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để nhận dạng. Tính đến hiện tại, WHO đã xác định được 4 biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2 và 7 biến thể mới nổi cần quan tâm. Dưới đây là danh tính cụ thể của chúng:
Vấn đề mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế quan tâm là các biến thể mới của COVID-19 sẽ còn tiếp tục xuất hiện. Và những người hiện chưa được tiêm chủng đang tạo cơ hội cho virus làm điều đó.
Andrew Pekosz, nhà vi sinh vật học và nhà miễn dịch học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, nói với CNN:
"Một khi virus đã tích lũy được các đột biến, những đột biến nào tồn tại được và truyền lại được cho thế hệ sau sẽ khiến virus dễ dàng lây lan hơn trong cộng đồng. Và cứ sau mỗi lần biến đổi như vậy, virus lại có thêm nền tảng để tạo ra thêm nhiều đột biến. Bây giờ, chúng ta sẽ phải đối mặt với những virus lây lan hiệu quả hơn".
Điều đó có nghĩa là về cơ bản, nếu virus không lây lan thì nó không thể đột biến. Tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định cho đến nay đều xuất hiện trong những thời kỳ cao điều bùng phát COVID-19.
Bây giờ, các chuyên gia y tế nghi ngờ các biến thể này sẽ còn tiếp tục đột biến để tạo ra biến thể mới ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
"Hiện tại, ở Mỹ vẫn còn có khoảng 1.000 quận có tỷ lệ tiêm chủng dưới 30%. Các cộng đồng này, chủ yếu ở Đông Nam và Trung Tây, là những nơi dễ bị tổn thương nhất", Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết.
"Ở một số khu vực này, chúng tôi đang chứng kiến tỷ lệ bệnh tật ngày càng tăng. Khi biến thể Delta tiếp tục lan rộng trên toàn quốc, chúng tôi dự báo dịch bệnh sẽ còn tăng mạnh trong các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp này, trừ khi chúng ta có thể tiêm chủng cho nhiều người hơn nữa".
Tại Mỹ, các chuyên gia y tế đang tiếp tục kêu gọi người dân đi tiêm phòng để ngăn chặn COVID-19 lây lan.
Thanh Long
Pháp luật & Bạn đọc