Chiều 6-7, Sở Công Thương TP.HCM cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, số ca nhiễm có xu hướng tăng và đã lan rộng đến một số chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Với mục tiêu không để chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, giá cả biến động, ngành công thương thành phố tập sẽ trung kích hoạt các kịch bản, phương án tạo nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa...
Chợ truyền thống giữ vai trò chốt yếu trong cung ứng hàng hóa đến người dân.
Cụ thể, Sở Công Thương TP.HCM đã thông tin đến Sở Công Thương 22 tỉnh, thành Đông Tây Nam Bộ về việc tạm dừng hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền.
Sở Công Thương TP.HCM cũng đề nghị các tỉnh hỗ trợ thông tin đến thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ; tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận huyện, ban quản lý các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền tăng cường công tác thông tin đến các thương nhân, người dân trên địa bàn chuyển hình thức giao dịch. Cụ thể như bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng… nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong giao dịch hàng hóa.
Về nguồn hàng hóa, bên cạnh việc duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM một cách an toàn, ổn định thì Sở tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa qua các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.
Trong đó, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại, đồng thời siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch.
Trong quá trình hoạt động, việc mở cửa trở lại các điểm bán đang ngưng hoạt động phải được đánh giá kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.
Sở Công Thương TP.HCM tuyên truyền vận động người dân sử dụng đặt hàng trực tuyến.
Về phương thức phân phối hàng hóa, Sở đã triển khai đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tăng cường tuyên truyền vận động người dân sử dụng các phương thức đặt hàng trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại… thay vì mua hàng tại các điểm bán truyền thống. Đồng thời, đề nghị các DN phân phối, DN hoạt động thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động bán hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà...
Sở Công Thương cho biết qua theo dõi, đánh giá nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối cũng như nguồn cung ứng từ các tỉnh, thành.
"Nguồn hàng hóa vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa" - Sở Công Thương TP.HCM khẳng định.
Hiện Sở đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn, các DN bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có điểm bán phải tạm ngưng.
Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình đưa hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua triển khai các chương trình siêu thị mini 0 đồng, chợ Nghĩa tình.