TPHCM lập thêm nhiều bệnh viện dã chiến để ứng phó ca Covid-19 tăng cao
T.H
(KTSG Online) - Trước tình hình số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng cao trên địa bàn, Sở Y tế TPHCM vừa thành lập thêm 2 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 bằng việc chuyển đổi công năng của 2 chung cư tái định cư ở Quận 12 và thành phố Thủ Đức. Như vậy, tính đến ngày 6-7, TPHCM có 13 bệnh viện điều trị Covid-19, và dự kiến đến ngày 8-7, con số này sẽ là 14.
Thương nhân, tiểu thương chợ Bình Điền xếp hàng chờ lấy mẫu tầm soát Covid-19. Ảnh: TTXVN |
Đã có 15.000 giường bệnh thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, đơn vị này đã chuyển đổi công năng khu chung cư tái định cư 12 tầng thuộc phường Tân Thới Nhất (Quận 12) thành bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.
Bệnh viện này đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ chiều 5-7. Bệnh viện này có quy mô hơn 2.000 giường bệnh.
Bên cạnh đó, chung cư tái định cư ở phường An Khánh (thành phố Thủ Đức) cũng được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3 với quy mô khoảng 3.000 giường bệnh và dự kiến sẽ tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 8-7.
Ngoài ra, Sở Y tế đang có kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4 quy mô từ 3.000 - 5.000 giường bệnh trên cơ sở chuyển đổi từ khu tái định cư thuộc phường Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
Như vậy, với việc thành lập thêm các bệnh viện dã chiến, hiện nay TPHCM đã có 15.000 giường bệnh thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn.
Tính đến ngày 6-7, Thành phố Hồ Chí Minh có 13 bệnh viện điều trị Covid-19 gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, bệnh viện dã chiến Củ Chi; Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi; Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ; Bệnh viện Điều trị Covid19 Bình Chánh; Bệnh viện Điều trị Covid-19 Thủ Đức, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố; Bệnh viện Nhi đồng 2; bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 và bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2.
Giải pháp mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với lãnh đạo TPHCM, diễn ra vào chiều tối 6-7 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo thành phố phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để kéo dài.
Ông cho biết, hơn một tháng qua, TPHCM đã rất nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch; các lực lượng không quản gian khổ để bảo vệ cuộc sống người dân. Người dân TPHCM đã và đang trải qua những ngày tháng khó khăn, nhất là người nghèo đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Tuy nhiên, người dân tiếp tục giữ vững tinh thần đồng sức, đồng lòng, có nhiều việc làm, hành động quý giá và cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Trong bối cảnh tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, đã lây lan ra các tỉnh khác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để kéo dài. Các lực lượng phòng, chống dịch siết chặt tinh thần đồng lòng, động viên người dân chấp nhận vất vả hơn trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường”.
Trên tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước chia sẻ với TPHCM”, Phó Thủ tướng đề nghị, thành phố cần thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, ở mức cao hơn hiện nay, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch, phấn đấu không để kéo dài tình trạng giãn cách xã hội như hiện nay.
TPHCM cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo các quy định cần thiết để hạn chế người tụ tập, đi lại trong thành phố, trong trường hợp không thực sự cần thiết, không ra khỏi nhà.
Phó Thủ tướng lưu ý: “Tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách như đã xảy ra ở một số nơi khi đang thực hiện giãn cách xã hội”.
Bên cạnh đó, TPHCM cần khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương khác.
Đồng thời, thành phố và các địa phương cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển phương tiện vận tải ra vào thành phố, không gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa, kiểm soát nguồn lây.
“Tinh thần là duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể trong bối cảnh dịch bệnh,” Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo TTXVN, Baochinhphu.vn