Thí sinh tại điểm thi trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) trước giờ thi Ngữ văn sáng 7-7- Ảnh: DUYÊN PHAN
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được nhận định là kỳ thi đặc biệt trong lịch sử thi quốc gia khi dịch bệnh lan rộng gần 40 tỉnh, thành. Một số địa phương trở thành điểm nóng dịch bệnh.
Với quyết tâm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, các tỉnh, thành đã đặt mục tiêu phòng dịch ở mức cao nhất, huy động nhiều lực lượng hỗ trợ để thí sinh bước vào kỳ thi thuận lợi.
Sáng 7-7, thí sinh sẽ thi môn ngữ văn với thời gian 120 phút. Chiều thí sinh thi toán với thời gian 90 phút.
Đây là 2 trong 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó mỗi thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ phải thi bắt buộc 4 bài thi (chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Duy nhất bài thi ngữ văn thi bằng hình thức tự luận, các bài còn lại sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Em Phạm Ngọc Khánh Đăng chia sẻ trước giờ thi môn văn tại điểm thi THPT Trưng Vương - Ảnh: DUYÊN PHAN
6h30 ngày 7-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã có mặt tại điểm thi trường THPT Việt Yên 1 ( Bắc Giang) để kiểm tra việc đón thí sinh đảm bảo phòng dịch.
Hội đồng thi thực hiện việc cho giám thị bốc thăm chọn phòng coi thi. Việc bốc thăm ngẫu nhiên trước mỗi buổi thi được Bộ GD- ĐT quy định nhằm đảm bảo khách quan.
Bắc Giang đến sát ngày thi có một điểm thi là THPT Lạng Giang phải dừng thi do có một thí sinh là F0, phát hiện qua test sàng lọc.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ( phải) trao đổi với lãnh đạo điểm thi - Ảnh: VĨNH HÀ
Sĩ tử Cần Thơ đội mưa đi thi
Sáng 7-7, ở TP Cần Thơ có mưa. Dù gặp khó khăn trong việc đến trường thi cử nhưng các sĩ tử vẫn hăng hái, tự tin bước vào môn thi đầu tiên.
Em Nguyễn Đăng Thành, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Châu Văn Liêm, chia sẻ: "Tờ mờ sáng là trời mưa rồi. Em nhờ bạn em trở đến trường thi. Ngày thi đầu tiên em cũng rất lo nhưng em tự tin sẽ làm tốt bài thi văn".
Ngồi kế bên Thành, em Lê Sĩ Tấn góp lời: "Tranh thủ đêm hôm, em ôn bài môn văn kỹ lắm. Em coi lại kiến thức thầy cô ở trường ôn rồi còn lên mạng tìm hiểu thêm để mở rộng kiến thức. Em tự tin rằng hôm nay em sẽ làm được".
6 giờ sáng trời còn đổ mưa nhưng phụ huynh và học sinh ở TP Cần Thơ đội mưa đến trường dự thi môn đầu tiên - Ảnh: CHÍ CÔNG
Hải Phòng: sĩ tử mong đề thi liên quan đến tác phẩm ‘Vợ nhặt’
Tại TP Hải Phòng, nắng ráo tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 20.000 sĩ tử bước vào buổi thi đầu tiên.
Tại điểm thi Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận Dương Kinh, Hải Phòng), từ hơn 6h ngày 7-7, đã có rất đông thí sinh được người thân đưa đến điểm thi.
Thí sinh Phùng Tiến Thành, bày tỏ mong muốn phần nghị luận văn học sẽ liên quan đến tác phẩm "Vợ nhặt" và nghị luận xã hội sẽ liên quan vấn đề dịch bệnh.
Tương tự, thí sinh Bùi Anh Vũ cho biết bản thân ôn luyện nhiều tác phẩm nhưng hi vọng phần văn học sẽ là tác phẩm "Vợ nhặt".
Theo Sở Giáo dục - đào tạo Hải Phòng, kỳ thi THPT quốc gia năm học 2020-2021, thành phố có 23.465 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 551 thí sinh tự do (32 thí sinh chưa tốt nghiệp, 519 thí sinh đã tốt nghiệp); 2.142 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.
Tại huyện Vĩnh Bảo - nơi có một số xã xuất hiện chùm ca mắc COVID-19, trước thời điểm diễn ra ngày thi thì các đơn vị liên quan đã lấy mẫu xét nghiệm cho 2.112 cán bộ, giáo viên và học sinh huyện Vĩnh Bảo. Tất cả mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Huế: thí sinh khu giãn được xe riêng chở đến tận phòng thi
Trong buổi thi đầu tiên sáng 7-7, khu vực huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), địa phương vừa phát hiện ca nhiễm COVID-19 ngày 3-7 vừa qua, thời tiết mưa phùn, nhiều thí sinh phải mang áo mưa đi thi.
Tại điểm trường thi THPT Thừa Lưu, hội đồng thi bố trí hai xe buýt để chở riêng các thí sinh ở khu vực giãn cách tại xã Lộc Thủy. 13 thí sinh sẽ được bố trí dự thi ở phòng thi riêng trong điểm thi trường THPT Thừa Lưu và THCS Thừa Lưu. Khoảng 6h30, xe buýt chở 8 thí sinh trong khu giãn cách đến điểm thi. Xe được ưu tiên di chuyển đến tận phòng thi.
Xe riêng chở thí sinh khu giãn cách đến điểm thi THPT Thừa Lưu - Ảnh: PHƯỚC TUẦN
Tăng lực lượng hỗ trợ, chuẩn bị sẵn ô
Điểm thi tại trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) phải tăng cường thêm 1/3 tình nguyện viên để phân luồng, khuyến cáo thí sinh tuân thủ 5K do địa phương vẫn áp dụng chỉ thị 19 và 3 xã vẫn giãn cách xã hội theo chỉ thị 15.
Thầy Trần Đình Nam, trưởng Điểm thi trường THPT Yên Dũng số 2, cho biết điểm thi có 714 thí sinh nên thí sinh đến điểm thi đươc phân luồng 3 cổng và trang bị máy khử khuẩn tự động.
Do địa bàn mấy ngày này hay mưa nên tình nguyện viên được chuẩn bị ô để đưa thí sinh vào phòng thi an toàn, sạch sẽ.
Tình nguyện viên hoạt động "hết công suất" từ sáng sớm do điểm thi có hơn 700 thí sinh - Ảnh: HÀ QUÂN
Điểm thi Việt Yên 1 (Bắc Giang) tổ chức bốc thăm chọn phòng thi ngẫu nhiên trước 6h30 ngày 7-7 - Ảnh: VĨNH HÀ
Thi sinh dự thi tại điểm thi THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Trong nhiều năm qua, đề thi ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thường được nhiều người mong đợi vì sự thú vị, bất ngờ trong câu hỏi mở của đề thi thường gắn với những vấn đề thời sự nóng bỏng, hoặc gần gũi với lứa tuổi 18. Nó không chỉ là thước đo của một kỳ thi mà còn được ví là "bài học cuối cùng" của thời học sinh phổ thông.
Cũng chính vì được kỳ vọng nên đề thi ngữ văn thường là đề thi được quan tâm, bình luận, phản biện nhiều hơn cả trong số đề thi các môn của kỳ thi này.
Nhưng lứa học sinh lớp 12 năm nay chịu ảnh hưởng nhiều bởi các đợt dịch COVID-19 bùng phát, các em phải trải qua một thời gian dài học tập, ôn thi trực tuyến vì không thể đến trường. Vì thế, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ chỉ ra vào nội dung chương trình đã giảm tải được Bộ GD-ĐT công bố trước đó, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu là lớp 12.
Với yêu cầu của Bộ GD-ĐT không để thí sinh vì khó khăn mà không đến được trường thi, 63 tỉnh, thành phố đã chuẩn bị nhiều phương án khác nhau để giúp thí sinh vượt qua trở ngại của dịch bệnh, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt. Trong đó, có các phương án sẵn sàng đối phó với dịch bệnh bùng phát ngay trong quá trình diễn ra kỳ thi.
Trước đó, ngày 6-7, thí sinh cả nước đã có buổi làm thủ tục dự thi với 97,28% số thí sinh đăng ký dự thi (993.561 thí sinh) đã có mặt tại điểm thi để làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi.
Cả nước có trên 27.000 thí sinh không đến dự thi đợt 1, trong đó có 14.394 thí sinh không dự thi được đợt 1 do ảnh hưởng bởi dịch COVOD-19 (1,41%). Các em là F0, F1, F2 hoặc cư trú trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng dịch. Số thí sinh này sẽ dự thi tốt nghiệp đợt 2.
Thí sinh tại điểm thi trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) trước giờ thi Ngữ văn sáng 7-7- Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo yêu cầu phòng dịch, phụ huynh phải thả con từ xa để các em vào phòng thi, tránh tập trung đông trước cổng trường - Ảnh: DUYÊN PHAN
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 có mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông. Ngoài ra các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT có 74,76% số thí sinh dự thi nhằm cả 2 mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Có 21,91% số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp và có 3,33% số thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển đại học, cao đẳng.
TTO - Trưa 6-7, chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân đã ký thông báo giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ khu vực thị trấn Tịnh Biên và khu vực chợ Nhà Bàng (An Giang).
Xem thêm: mth.88605603260701202-nav-nom-iht-hnis-iht-ueirt-1-nag-yan-gnas/nv.ertiout