Hành trang "lên đường" của Hải Đăng khi tham gia đội xét nghiệm COVID-19 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Cuối tháng 5-2021, Hải Đăng (sinh viên năm thứ 5) cùng nhóm 10 sinh viên khoa Y Đa khoa, Y tế công cộng, Y học dự phòng trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tham gia tình nguyện trong chiến dịch chống COVID-19 của TP.HCM. Để giảm lây nhiễm cho người thân, Đăng đến ở trong trung tâm y tế quận trong suốt thời gian tham gia tình nguyện.
Ban đầu, Đăng và gia đình có nhiều lo lắng vì quyết định này. Tuy nhiên, bạn ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong chiến dịch này và quyết định "lên đường".
Làm việc đến 20 tiếng/ngày
Là tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu, Đăng và các sinh viên y khoa khác được phân công đến quận Gò Vấp và sau đó là quận 9, trung tâm y tế quận 8. Công việc của họ là phân loại mẫu, lấy mẫu xét nghiệp, nhập liệu thông tin... Một ngày của họ bắt đầu từ khoảng 7h30 sáng đến hơn 23h, có ngày đến tận 4h sáng hôm sau.
Ngày đầu tiên đến Gò Vấp, Hải Đăng cùng với các tình nguyện viên nhận được gần 20.000 mẫu bệnh phẩm trong ổ dịch. Các mẫu bệnh phẩm được bỏ vô túi zip, mỗi bịch 50 cái.
"Nhiệm vụ của mình là ngồi lựa ra theo thứ tự mã code và bỏ vô 1 hộp môi trường (ống xét nghiệm dùng để lưu trữ bệnh phẩm dịch hầu họng - PV), mỗi hộp 20 cái", Đăng chia sẻ.
Hải Đăng cùng nhóm sinh viên trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch TP.HCM ở trung tâm y tế quận 8 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngày đầu tiên tham gia vào tuyến đầu chống dịch, Đăng chia sẻ bản thân bị sốc vì quá nhiều ống bệnh phẩm, làm mãi không xong. Bên cạnh đó, trung tâm tối mịt, mọi người ai cũng mệt mỏi, căng thẳng và đôi lúc to tiếng với nhau. Ngày đầu tiên kết thúc lúc 12h đêm.
"Rồi hết hôm đó mình cũng được về nhà. Đồng hồ điểm 12h đêm. Đường vắng hoe. Sáng hôm sau mình lại tiếp tục công việc lúc 7h30 sáng. Nhiệm vụ ngày 2 là hỗ trợ công tác lấy mẫu tại ổ dịch phường 5. Đúng, đó là hỗ trợ công tác lấy mẫu, là tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm cao. Có một chút sợ hơn so với việc ngồi lựa mẫu bệnh phẩm, dù cả hai công việc đều có khả năng lây nhiễm xấp xỉ nhau cả.
Mình được các anh chị bác sĩ bên BV Quận Gò Vấp đưa quần áo bảo hộ và bảo bắt buộc phải mặc.
Lần đầu mặc cái bộ đồ xanh xanh trắng trắng trùm kín người, đeo găng tay, đeo kính bảo hộ, mình có 1 cảm giác mới: NÓNG. Nóng, rất nóng, quá nóng, nóng nhưng không cởi ra được, hơi thở che mờ hết cả kính...", Hải Đăng viết trong nhật ký.
Hải Đăng chia sẻ, những ngày sau còn khó khăn hơn vì số ca bệnh ngày càng tăng và xuất hiện khắp nơi.
Tối đó mình ăn không nổi, nhưng vẫn ráng do được bác bảo vệ đưa hộp cơm của người dân Gò Vấp tặng. Trong lòng có chút vui, mọi người bảo ban và động viên nhau rất nhiều nữa. Nhưng niềm vui chưa được là bao thì nhiều người dân ra trách móc, vì họ chưa được xét nghiệm mà nhân viên y tế lại ngồi nghỉ "xả lai". Trên mạng xã hội, người người nói sinh viên như tụi mình chỉ đi theo làm màu thôi, chứ cũng chỉ được 1-2 ngày là cùng. Lúc ấy, mình cảm thấy chạnh lòng thật sự.
HẢI ĐĂNG
Những ngày mở mắt ra là thấy "mẫu bệnh phẩm"
Những ngày cuối tháng 6, Đăng kể đó là những ngày ác mộng đối với nhân viên y tế.
"Sau khi thức dậy và trước khi ngủ, đội ngũ nhân viên y tế và tình nguyện viên chỉ biết vỏn vẹn 3 chữ mẫu bệnh phẩm", bạn kể.
Đó cũng là khoảng thời gian 5 quận huyện gồm Bình Tân, Tân Phú, Quận 8, Hóc Môn, Bình Chánh phải lấy 500.000 mẫu/ngày. Tổng cộng có khoảng 2.500.000 mẫu cần lấy trong vòng 5 ngày, con số cao hơn rất nhiều so với "điểm nóng" Gò Vấp cách đó một tháng.
"Thật sự đó là một con số rất lớn. Sau 5 ngày, mọi người ai cũng muốn gục ngã và kiệt sức. Mình bị mất khái niệm về thời gian, không thể nhớ rõ hôm nay là thứ mấy, ngày nào, là đầu tuần hay cuối tuần", Đăng nói.
Hải Đăng khi làm tình nguyện viên xét nghiệm COVID-19 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngay sau đó, vào đầu tháng 7, nhóm tiếp tục tiến hành lấy mẫu xét nghiệp tầm soát cho giáo viên, nhân viên, thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 trên địa bàn quận 8.
Vất vả là thế nhưng Hải Đăng cho biết công việc này không chỉ bảo vệ cộng đồng mà còn là bảo vệ chính bản thân và gia đình nên các nhân viên y tế đều động viên nhau.
"Có những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc và về nhà để được ngủ thật thoải mái nhưng mình sẽ ngủ không ngon khi các anh chị vẫn còn đang làm việc và dịch thì vẫn đang diễn biến rất căng", bạn chia sẻ.
Mình cảm thấy may mắn khi gặp những con người thân thương này. Những con người đó khiến cho trận chiến vốn căng thẳng từng phút từng giây có thêm những nụ cười và hy vọng. Những con người đó cùng với nhau, không quản ngại nắng mưa, gian nan, vất vả để ra tiền tuyến, lao mình vào tâm dịch.
HẢI ĐĂNG
Mọi người hay nói đùa với nhau:“Mình đi chống dịch như vầy, riết là con gì chứ không phải là con người nữa”. Câu nửa đùa nửa thật. Bởi vì làm gì có người nào một ngày chỉ ngủ vỏn vẹn 3-4 tiếng và cứ như thế rất lâu rồi, tất cả thời gian còn lại chôn vùi với việc lấy mẫu, xử lý mẫu bệnh phẩm và số liệu. Có người nào, mỗi khi mặc đồ bảo hộ đi xuống khu phong tỏa thì mọi người kỳ thị, xua đuổi và thậm chí nói những lời tổn thương nhau. Những lúc như thế thật chạnh lòng biết bao… Bước sang tháng bảy, TP lại tiếp tục mở rộng xét nghiệm tất cả quận/huyện, và mình cảm tưởng như mọi thứ đang từng ngày vắt kiệt sức nhân viên y tế. Sáng nay mình đã lấy mẫu cho toàn bộ các em lớp 12 cũng như các thầy/ cô coi thi cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới tại trường THCS Chánh Hưng - Quận 8. Mẹ mình và dì mình cũng là một nhà giáo, cũng sẽ theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục để chắc chắn âm tính trước kỳ thi. Ấy vậy, mình lại không thể tự tay lấy mẫu và ở lại bảo vệ cho gia đình mình nữa. Nhưng chắc chắn, con sẽ về thôi. Chắc chắn là vậy!
HẢI ĐĂNG
TTO - Trong lúc lực lượng y tế TP.HCM đang căng mình, mệt nhoài tại điểm nóng về COVID-19 thì sự hỗ trợ của nhiều bạn sinh viên ngành y, tình nguyện viên tiếp thêm sức giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn.