Cho thuê tài khoản chạy quảng cáo livestream bán hàng là một trong những dịch vụ của nhóm đối tượng người Việt bị Facebook kiện - Ảnh: Q.Đ.
Khi câu chuyện Facebook đâm đơn kiện 4 người Việt trục lợi 36 triệu USD lan truyền trên mạng, nhiều doanh nghiệp, những người làm trong ngành truyền thông ngao ngán. Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc về chuyện này.
Con sâu làm rầu nồi canh
Những người làm trong ngành thương mại điện tử hoặc có mua hàng qua mạng từ Amazon trước đây hẳn đều biết Amazon (Mỹ) cấm giao hàng về địa chỉ tại Việt Nam. Nguyên nhân đơn giản vì tình trạng ăn cắp tài khoản tín dụng của người nước ngoài rồi dùng để thanh toán mua hàng trên Amazon của người Việt Nam (hoặc địa chỉ mạng từ Việt Nam) quá nhiều. Nhiều trang thương mại điện tử khác của Mỹ sau đó cũng ban hành lệnh cấm tương tự với cùng nguyên nhân.
Hệ lụy đó đến nay vẫn còn. Hậu quả thời điểm đó không lớn lắm bởi nhu cầu mua hàng qua mạng ở Việt Nam chưa phổ biến so với thế giới. Trong thời điểm mua sắm qua mạng đang bùng nổ hiện nay, mới thấy hậu quả ghê gớm của việc "con sâu làm rầu nồi canh".
Theo đơn kiện của Facebook, thủ đoạn của các đối tượng người Việt nêu trên là dùng phần mềm giả mạo đưa lên kho ứng dụng di động để lừa người dùng (đối tượng bị giăng bẫy ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Brazil) tải về sử dụng và qua đó "trộm" các thông tin đăng nhập tài khoản của họ. Sau đó các đối tượng này dùng tài khoản nạn nhân (nhân viên đại lý quảng cáo) để chạy các chương trình quảng cáo cho khách hàng của mình và trục lợi từ đó. Chiêu trò này có thể xem là một biến tướng của các chiêu trò lừa đảo trên Facebook trong vài năm trở lại đây.
Nhiều người trong giới quảng cáo đồng tình với nhận xét: "Đây chỉ là một vụ việc tiêu biểu Facebook muốn làm để cảnh báo cho nhiều cá nhân, nhóm "tàu ngầm" khác chưa bị nêu tên (hoặc không nghĩ mình sẽ bị nêu tên)".
Theo đó, việc cảnh báo ở đây là Facebook biết hết những hành động mà nhiều cá nhân, nhóm người ở Việt Nam đang làm (kiếm tiền phạm pháp), chỉ là họ có muốn bêu tên lên hay không mà thôi. Và hậu quả không chỉ kẻ xấu gánh chịu. Nếu những vụ việc như thế này vẫn còn tiếp tục và bị Facebook hay các tổ chức, dịch vụ quốc tế phanh phui, hình ảnh người Việt Nam trong mắt quốc tế sẽ ngày càng tệ.
Bạn đọc HÂN MINH
Quýt làm cam chịu
Chúng ta có thể thấy không phải vô tình mà hơn một năm trở lại đây các tài khoản doanh nghiệp hoặc cá nhân tại Việt Nam thường bị làm khó dễ khi thực hiện các chiến dịch quảng cáo trên nền tảng Facebook.
Việc chạy "bùng" quảng cáo này đã tồn tại từ rất lâu trong giới "underground" (tạm dịch: thế giới ngầm - PV) gần đây đã trở thành một nỗi ám ảnh với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Việc này gây hệ lụy không hề nhỏ cho các doanh nghiệp truyền thông, quảng cáo và marketing trong nước.
Với việc chạy "bùng" thì các đối tượng này hoàn toàn có lợi thế (không tốn chi phí quảng cáo) trước những doanh nghiệp phải chi trả tiền quảng cáo để bán được hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Vụ việc chắc chắn gây ảnh hưởng rất lớn khi hầu như các tài khoản quảng cáo chạy cho khách hàng có thể bị "bức tử" đồng loạt không rõ nguyên nhân. Nếu có tạo tài khoản mới cũng rất khó để kích hoạt hoặc chạy ổn định.
Nhiều doanh nghiệp muốn thực hiện các chiến dịch quảng cáo cho đúng hợp đồng với khách hàng thì buộc lòng phải thuê lại tài khoản của bên thứ ba với mức phí 8-15% tùy chi phí hằng tháng. Facebook mạnh tay xử lý các tài khoản quảng cáo đến từ Việt Nam, thời gian sắp tới sẽ cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp Việt đang sử dụng Facebook như một kênh bán hàng mang lại doanh thu chính nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành truyền thông, quảng cáo.
Nguyễn Duy Vĩ (giám đốc Công ty truyền thông Buzi, TP.HCM)
TTO - Nhiều chuyên gia cho rằng vụ nhóm người Việt bị Facebook kiện vì đã chiếm đoạt tài khoản người khác chạy quảng cáo hơn 36 triệu USD đã làm mất uy tín người Việt khi giao thương với nước ngoài.
Xem thêm: mth.26130811260701202-tam-court-yagn-auq-uah-teiv-iougn-4-mohn-neik-koobecaf-uv/nv.ertiout