Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 được Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/7 cho thấy, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019.
Theo đó, trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng tăng bình quân 8,2%. Tuy nhiên, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị vẫn cao hơn so với khu vực nông thôn 1,6 lần.
Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương , tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%.
“Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm”, ông Tiến nhận định.
Mặc dù thu nhập giảm nhẹ trong năm 2020 nhưng chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước vẫn tăng 13% so với 2018 (l2,89 triệu đồng/người/tháng). Tuy nhiên, do năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nên chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016).
Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.
Chi tiêu bình quân 1 người 1 tháng (Đơn vị tính: Nghìn đồng)
Cũng theo khảo sát, tiêu dùng lương thực, thực phẩm qua số liệu cho thấy một xu hướng rõ ràng là các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020.
Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 so với 6,1 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9,1 so với 6,6 kg/người/tháng).
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. “Đáng chú ý, tiêu thụ trứng tăng trong năm 2020, chủ yếu do năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, trứng là mặt hàng các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay vì các loại khác”, khảo sát nhận định.
Ngoài ra, lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,2 so với 1,0 lít/người/tháng).
Khảo sát mức sống dân cư năm là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin về mức sống hộ dân cư, để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều.
Khảo sát mức sống 2020 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Các thông tin được thu thập trong gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.
Khánh Vy
Vneconomy
Xem thêm: nhc.22772539070701202-1-maig-nad-iougn-nauq-hnib-pahn-uht-mal-91-divoc/nv.zibefac