Người làng Tân Mỹ (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) hơn chục năm nay chẳng còn lạ gì gia đình anh Đỗ Văn Nga, chị Dương Thị Hương. Họ từ quê ở Phúc Thọ lên làm công nhân môi trường, đến giờ, đã thân thuộc như một người dân trong làng. Họ có nhiều "nhà" quanh làng Tân Mỹ, nhưng những cái "nhà" như có chân đi, di dời theo người trong những lần chuyển dịch...
Bố mẹ 10 năm dựng lán làm lều, con lớp 6 một mình tự chăm
"Nhà" hiện tại anh chị đang ở cách chợ Tân Mỹ chừng dăm trăm mét. Gọi là "nhà" cho sang vậy thôi, chứ thực ra nó là cái lán lợp tạm bằng mấy tấm gỗ thừa, tôn cũ, sắt thép đồng nát giằng níu nhau. Đường vào lán ngập trong đồ đồng nát, ngổn ngang thùng xốp, chai lọ, đồ nhựa cũ… chị Hương nhặt về, gom thành mẻ lớn để bán. Nếu không có dây phơi quần áo bên ngoài và cái mũ bảo hiểm cũ treo trước cửa, người đi ngang qua khó có thể nhận ra đây là chốn có người ở.
Anh Đỗ Văn Nga bên lán tạm ở Tân Mỹ, Mỹ Đình. Anh là cựu công nhân của công ty Minh Quân (cũ).
Anh Nga, chị Hương mới chuyển sang lán này được vài tháng. Trước đó, anh chị thuê nhà ở gần đó, tính cả điện nước tốn khoảng 1,8 triệu/tháng. Nhưng từ đợt công ty Minh Quân nợ lương, hai vợ chồng chẳng còn tiền mà thuê nhà nữa, lại đi tìm chỗ đất trống mà lợp lán để có chỗ chui ra chui vào, điện nước thì câu nhờ nhà hàng xóm.
Đường vào lán ngập trong đồ đồng nát, chị Hương gom thành mẻ to mới đem bán.
Ngồi trên cái “giường” ghép bằng mấy tấm phản gỗ, kê dọc kê ngang cho vững, anh Nga cười tươi khoe: “Hơn 10 năm rồi từ khi lên đây làm công nhân vệ sinh, anh chị ở lán lều nhiều hơn ở nhà thuê. Có thời gian ở nhờ trong container cũ bỏ hoang nữa. Trước lán của anh chị ở cái hõm đất trũng, mưa bão thế là ngập đến tận giường, hai vợ chồng không dám ngủ, chỉ ôm gối ngồi đợi nước rút xuống. Khi nào chủ đất người ta bán hay đuổi đi thì anh chị lại làm lán mới”.
Chị Hương tiếp lời, giọng khẩn khoản như giải thích: “Cô chú nhìn thì thấy khổ, chứ anh chị quen rồi. Mà ở lán chính ra mát hơn ở trọ, vì rộng rãi, chung quanh có cây cối thoáng mát. Năm ngoái ở phòng trọ mà nóng quá, chị nổi mẩn hết người. Buổi chiều nóng hầm hập, cắm cơm xong là ra đường đi dạo mát chứ ở phòng thì không thở nổi. Buổi tối nằm lên giường, hơi nóng hấp vào vẫn nóng bỏng lưng. Ở lán thì chỉ ngại chuột thôi, có hôm đang ngủ nó nhảy qua người, hoặc cắn chân (cười lớn)”.
10 năm qua, họ gần như không thuê nhà, mà cất lán ở tạm cho đỡ chi phí.
Hơn 10 năm bám trụ ở Tân Mỹ (Mỹ Đình), anh chị không mấy khi về nhà. Con trai lớn vừa đi bộ đội, cô con gái mới học lớp 6 ở nhà một mình, tự lo lắng cơm nước, tự đi học.
Chị Hương tự hào khoe, cháu nó ngoan lắm, trộm vía từ nhỏ đã không mấy khi ốm đau. Từ khi con bé còn ẵm ngửa, anh chị có đợt đưa xuống Hà Nội, thằng anh bế con em cho bố mẹ đi làm. Con bé biết đi thì gửi lại quê, nhờ các bác ngó nghiêng giúp.
Hơn 1 năm nay, con bé tự ở nhà một mình, có khi còn phải chăm cả bà nội. Lúc nào bố mẹ về thì mua thức ăn bỏ tủ lạnh. Chị Hương khoe, con bé quen với việc xa bố mẹ nên rất bạo, tính cách độc lập, không sợ một cái gì. Nhà có bà nội bị lẫn khoảng chục năm nay, mấy nhà chia nhau nuôi bà. Riêng nhà anh Nga, hai vợ chồng mải đi làm nên chỉ có thể góp tiền cho mấy bà cháu tự chăm nhau…
Cái lán được cất nép vào gốc cây mâm xôi, bên cạnh là vườn chuối nên "không đến nỗi bức lắm", theo lời chị Hương.
Nhắc đến con, giọng chị Hương bất giác chùng xuống: “Ở quê, mỗi lần anh chị về, người ta lại bảo hai vợ chồng vô tâm, để con như cây dại tự lớn, mèo hoang tự sống... Vì chúng nó cứ một ăn một lớn như ngan như ngỗng chứ có nuôi dạy gì đâu. Ai nói thế thì cũng chỉ biết cười, chứ chẳng biết cãi làm sao. Cũng may mà hai đứa đều ngoan và tự giác, chứ bố mẹ đi vắng suốt có quản được đâu…”.
Bao lần muốn bỏ nghề công nhân môi trường, nhưng "hễ thấy đường bẩn là không chịu được"
Hơn 10 năm sống ở Tân Mỹ, vợ chồng anh Nga, chị Hương đã trải qua 3 “đời” công ty môi trường. Đầu tiên là làm ở công ty Thành Công, rồi đến Minh Quân, sau này là Urenco 7. Hiện chị Hương đang là công nhân ở tổ thu gom rác Mỹ Đình 1, phụ trách khu vực các ngõ, đường làng Tân Mỹ. Còn anh Nga, sức khỏe yếu không theo nổi công ty, nên nhận công việc quét chợ Tân Mỹ. Cả hai vẫn còn bị công ty Minh Quân nợ tiền lương.
Anh Nga bảo, từ ngày nhận việc quét chợ, công việc có phần phù hợp hơn. Mỗi buổi, anh chỉ phải đẩy 2 xe rác vơi, còn vợ anh gom rác trong ngày khoảng 6 xe trâu (xe to) đầy tận ngọn. Hai vợ chồng chia việc cùng nhau. Sáng nào anh cũng dậy từ 4 giờ sáng, quét đỡ vợ một chút. Trưa, hai anh chị về cùng nấu cơm. Đến 2 giờ chiều tan chợ, chị Hương lại cùng anh ra quét chợ, cọ rửa sàn, đến chiều muộn là xong việc.
Hai vợ chồng chia việc cho nhau từ dọn chợ đến đường phố.
Theo chế độ công ty Urenco, mỗi tuần chị Hương được nghỉ 1 ngày. Nhưng trừ những hôm mệt lắm hoặc bận việc quan trọng phải về quê, không thể đừng được mới nghỉ. Còn chị sẽ tranh thủ làm thuê cho đồng nghiệp hoặc đi rửa bát thuê, nhặt đồng nát… tức là bằng mọi giá có thời gian rảnh là xoay việc để có thêm tiền. Vì như chị nói, “tay mà ngừng làm là hàm ngừng nhai”, và “cũng là để bọn trẻ con nó nhìn vào, thấy bố mẹ chăm chỉ lao động mà thêm nghị lực sống".
Mà lạ nhất là, anh Nga, chị Hương làm nghề một cách đầy say mê. “Yêu nghề lắm chứ, chả yêu sao làm được đến tận bây giờ cả chục năm!”, họ khẳng định thế. Cũng không hẳn vì không có lựa chọn nào khác. Đợt lương chậm mấy tháng, anh chị đã hơi nản, định đi làm nghề đánh véc-ni thuê ở Chàng Sơn gần nhà. Cũng có người khuyên làm việc khác đỡ vất vả hơn, nhưng quanh đi quẩn lại, họ vẫn quyết bám với nghề vệ sinh môi trường.
Anh Nga khẳng định chắc nịch, rằng hai vợ chồng rất yêu nghề, vì niềm hạnh phúc khi thấy đường phố sạch đẹp nhờ đôi tay mình.
Lý do ư? Họ giải thích rất đơn giản, là vì thấy đường phố bừa bẩn trong rác thì không chịu nổi. Vì nhiều năm làm nghề, họ đã quen cách xếp đặt, quét thế nào cho sạch, dọn thế nào cho gọn. Vì “có nghề nào mà làm xong thấy ngay thành quả như thế đâu. Bước đến đâu là ngõ xóm, phường phố sạch sẽ đến đấy, mình nhìn còn sướng nữa là mọi người”. Hạnh phúc của họ, niềm tự hào của họ giản đơn vậy thôi.
Từ ngày anh Nga được thuê dọn rác ở chợ, họ còn được “lãi” thêm rau củ người ta bán ế, tận dụng mang về ăn. Khi là mướp, lúc là bầu bí, củ đậu… cũng đỡ tiền chợ. Hàng xóm thấy thương hoàn cảnh cũng hay cho thức ăn, hoa quả thắp hương tuần rằm mùng một.
Những bữa cơm từ ngày anh Nga nhận việc quét chợ có phần đa dạng hơn, do rau củ bán ế, người ta tặng cho vợ chồng anh.
Thỉnh thoảng họ về nhà gửi tiền họ hàng, đóng tiền ga, tiền điện, tiền thức ăn mua hàng ngày cho con gái nhỏ. Con trai lớn đi nghĩa vụ, đang đóng quân ở Sơn Tây. Cứ thế, họ “chia” gia đình thành ba “mảnh”, động viên nhau mỗi người mỗi việc, cùng cố gắng để sống, như cỏ cây được tưới tắm bởi những niềm vui bé mọn.
Anh Nga, chị Hương chỉ mong được công ty Minh Quân (cũ) thanh toán hết nợ, để có tiền mang về quê trả cho họ hàng, vì vay mãi cũng ngại. Để ở làng người ta khỏi thắc mắc, sao cả chục năm bỏ con “lên Hà Nội” đi làm mà không thấy tiền đâu.
Họ chỉ có trăn trở về việc học hành của con, mong cho mình có sức khỏe, chứ tuyệt nhiên không than vãn, hờn trách cuộc đời.
Họ cũng mong có sức khỏe để tiếp tục làm công nhân môi trường - việc họ đã quen và yêu thích. “Năm nay chị thấy mình yếu hơn mọi năm. Sáng hôm qua tự dưng đau ê ẩm hông, cảm giác không lết nổi. May đến chiều là hết. Chị chỉ ước không ốm đau gì, cố gắng nuôi con bé đến hết cấp 3, rồi tùy vào sức học của con mà tính tiếp” - người đàn bà đã sống với nghề rác hơn 10 năm trầm ngâm bảo thế.
Phong Linh; Ảnh: Việt Hùng
Pháp luật và bạn đọc