Chợ đầu mối đóng cửa, tiểu thương bán hàng online
Hiện nay cả ba chợ đầu mối về thực phẩm tại TP.HCM đã tạm dừng hoạt động, do có liên quan đến các ca dương tính với COVID-19. Việc tạm ngưng này ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm tới người tiêu dùng.
Theo đó, Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức đã được yêu cầu hỗ trợ thương nhân, thương lái để có thể mua bán tại nhà hoặc giao nhận hàng từ xa để hàng hóa thông suốt.
Ngoài ra, các nhà cung cấp cũng được kết nối với các thương nhân chuyển trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới thẳng những khu vực có nhu cầu (chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly...).
Đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, từ trước khi tạm dừng hoạt động chợ, ban quản lí đã có các phương án dự trù phù hợp với diễn biến dịch. Cụ thể ban quản lí chợ kêu gọi thương nhân thay đổi các hình thức buôn bán, giao nhận sang trực tuyến.
Đồng thời, vị này cũng cho biết phía công ty sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các quận, huyện, TP Thủ Đức kết nối với các thương nhân, nhà cung cấp đang hoạt động tại chợ cung ứng trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới những khu vực có nhu cầu như các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly… Điều này sẽ giúp các tiểu thương có thể kết nối và tính toán đầu ra cho sản phẩm.
Theo vị này, các thương nhận sẽ được vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ đến hết 20 giờ tối nay, để ban quản lí chợ tiến hành phun khử khuẩn.
Hiện tại, Sở Công Thương TP.HCM khẳng định nguồn cung hàng hóa trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Nguồn cung trên địa bàn TP.HCM sẽ được duy trì ổn định. Ảnh: T.Hà
Đơn vị này cũng đang phối hợp các hệ thống phân phối lớn và các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có các điểm bán phải tạm ngưng hoạt động, đồng thời phối hợp các hiệp hội ngành nghề phân phối hàng hóa đến các vùng cách ly, phong tỏa thông qua các chương trình siêu thị mini 0 đồng, chợ nghĩa tình.
Để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân sau khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động, thương lái, người buôn bán tại chợ đầu mối sẽ được tập huấn sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử để mua bán trực tuyến. Đồng thời tại các hệ thống siêu thị sẽ tăng cường lượng hàng hóa từ 50% đến 100%.
Vẫn khó mua hàng dù siêu thị tăng nguồn cung
Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu người dân, hiện đơn vị đã liên hệ với nguồn cung để tăng nguồn hàng lên 150% so với bình thường, tăng tần suất chia hàng từ kho trung tâm xuống siêu thị từ 3 lần lên thành 5 lần/tuần, và dự kiến kéo dài thời gian mở cửa siêu thị.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động giao hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. "Nguồn cung của Bách Hóa Xanh luôn đủ đáp ứng cho thị trường, do đó người dân không nên có tâm lý tích trữ sản phẩm quá nhiều"- đại diện Bách Hóa Xanh khẳng định.
Trong khi đó, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng tăng nguồn cung gấp 2-3 lần và giảm giá nhiều mặt hàng để "chia lửa" với chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể hệ thống siêu thị này cũng đã một trữ lượng lớn các loại thịt mát, thịt đông lạnh và thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản để ổn định giá cả thị trường.
Điều này cũng được hệ thống MM Mega Market thực hiện khi đã chủ động tăng dự trữ nông sản, thịt heo, thịt bò thêm 50%, đồng thời tiếp tục ưu tiên khuyến mãi giảm giá cho các mặt hàng nông sản, thịt heo trong thời gian này nhằm góp phần ổn định tâm lý khách hàng, giữ ổn thị thị trường.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, 9g sáng ngày 7-7 hàng hóa tại một số siêu thị, hệ thống bán lẻ như Bách Hóa Xanh, Vinmart, Satrafoods... khu vực quận Gò Vấp trong tình trạng hết hàng. Nguyên nhân là do các khu vực chợ tạm, chợ dân sinh bị đóng cửa do có liên quan tới COVID-19 hoặc tạm dừng để khử khuẩn.
Mới 9g sáng nhưng tại các siêu thị, rau củ, thịt cá đã nhanh chóng hết hàng. Ảnh: Thu Hà
Các khay cá, tôm trong siêu thị Bách Hóa Xanh phường 14, quận Gò Vấp đều trống trơn. Ảnh: T. Hà
Đơn cử như sáng nay khu vực nhà lồng của chợ tạm Thạch Đà tạm dừng hoạt động, khiến người dân đổ xô vào các siêu thị để mua hàng hóa khiến thực phẩm nhanh chóng hết hàng dù mới 9g sáng.
Một số điểm bán như VinMart+ tại phường 14, Gò Vấp đang được hệ thống phân phối thêm hàng, siêu thị Bách Hóa Xanh cũng trong tình trạng rau củ, thịt cá đều trống trơn.
VinMart+ phải điều thêm hàng ngay trong sáng 7-7 do lượng mua sắm tăng vọt. Ảnh: T. Hà
Việc tạm dừng hoạt động nhiều chợ tạm, chợ dận sinh ở Gò Vấp khiến nguồn cung trở nên ít ỏi và giá cả thực phẩm gia tăng. Một số điểm bán rau củ tại nhà trên đường số 9, và Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) cho biết hàng hóa trở nên khan hiếm do chợ đầu mối đóng cửa, chợ chính cũng đóng nên đầu mối không nhập hàng về nhiều, khiến giá tăng từ 10.000-15.000 đồng/ kg tùy sản phẩm.
Chợ đóng cửa, siêu thị hết hàng, người dân lựa chọn mua hàng tại các điểm bán tại nhà, dù giá tăng cao. Ảnh: T. Hà
Đơn cử đậu cove từ 30.000-35.000 đồng/kg vào tuần trước, thì nay tăng lên 50.000 đồng/kg, rau cải ngọt 15.000-20.000 đồng/kg nay có giá 35.000 đồng/kg, hay cá riêu hồng từ 50.000 đồng/kg lên 60.000- 65.000 đồng/kg. Những mặt hàng như chanh, tỏi, gừng… cũng tăng cao.
“Một củ riềng bé tẹo có giá 20.000 đồng cũng phải mua vì cần để nấu ăn. Mới đây tôi hỏi giá hai chùm hành và tỏi của người bán rong lề đường ở đường Phạm Văn Chiêu mà người bán “hét” giá 200 ngàn đồng, nhưng nếu không mua thì sẽ có người khác tới mua ngay”-chị Liên, người dân tại đây cho biết.