Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Sòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM (AGTEX) - không giấu được lo lắng khi một số doanh nghiệp (DN) thuộc hội đã phải tạm ngừng sản xuất do nằm trong khu vực phong tỏa hoặc sản xuất bị ảnh hưởng ít nhiều bởi công nhân nghỉ việc, bị cách ly, sống trong vùng có dịch...
Sản xuất không kịp đơn hàng
"Mức độ ảnh hưởng đến mỗi DN là khác nhau, tuy chưa quá lớn nhưng cũng đáng lo ngại. Ngoài DN đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gặp khó khăn, còn nhiều DN khác dù chưa bị ảnh hưởng cũng rất lo lắng bởi không biết dịch sẽ kéo dài đến khi nào. Nếu không may bị phong tỏa, giãn cách thì chắc chắn ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với đối tác nước ngoài" - ông Hồng bày tỏ.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, nhiều DN đang rơi vào tình trạng ách tắc đủ đường, từ khâu nhập khẩu nguyên - vật liệu đến sản xuất, xuất khẩu. Nhiều DN không có nguồn lao động bởi nhiều lý do liên quan đến dịch bệnh, thông thương giữa TP HCM với các địa phương lân cận bị hạn chế rất nhiều... "Trong lúc này, cả ban quản lý và từng DN đều căng mình 24/24 thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phòng chống và ứng phó với dịch, như kiểm tra, kiểm soát tình hình, lo ăn ở cho người lao động... Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nhiều, không sản xuất kịp đơn hàng đã ký kết" - bà Loan thông tin và mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương để chung sức cùng DN vượt qua khó khăn.
Ngoài trở ngại từ tình hình dịch bệnh mới bùng phát, một số DN còn đang vật lộn với những khó khăn đã kéo dài từ năm trước. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết vừa ký văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến, đồng thời có giải pháp giảm cước vận chuyển tàu biển trở lại như thời điểm trước tháng 11-2020. Nếu tình hình này kéo dài, hoạt động xuất khẩu của DN ngành thủy sản cũng như các ngành khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế, giá vận chuyển bằng container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/container đã tăng lên 9.100 USD/container vào tháng 5 năm nay. Với chặng từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ), giá tăng từ 1.800 USD/container lạnh hồi đầu năm 2020 lên mức 8.000 USD/container lạnh vào tháng 5-2021. Ngoài ra, có hãng tàu còn thông báo tăng phụ phí mùa cao điểm từ 150-450 USD/container.
Đại diện một DN logistics tại TP HCM thông tin từ giữa tháng 6 vừa qua, giá cước tàu biển lại có đợt tăng mới, chưa kể số lượng container rỗng rất hiếm. Nguyên nhân tăng là do sự tắc nghẽn cảng ở Mỹ cùng với việc một số cảng tại Trung Quốc phải kiểm dịch Covid-19 khiến thời gian lưu cảng kéo dài...
Dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội. Ảnh: NGỌC ÁNH
Còn nhiều cơ hội
Tuy đang gặp nhiều trở ngại nhưng xuất khẩu hiện vẫn là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng 6,54% trong nửa đầu năm.
Báo cáo kinh tế vĩ mô công bố ngày 7-7 của Ngân hàng HSBC Việt Nam nêu rõ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ nhịp độ bền vững đáng ngạc nhiên trong quý II khi tăng đến 33% so với cùng kỳ năm trước. Đồng nghĩa, Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi lớn từ xuất khẩu của một số ngành sản xuất truyền thống nhờ nhu cầu toàn cầu được cải thiện. "Mặc dù thâm hụt cán cân thương mại song đây không là dấu hiệu suy giảm vị thế thương mại của Việt Nam. Khi vươn mình trở thành một đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới, hoạt động sản xuất trong nước đương nhiên đòi hỏi một khối lượng lớn hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian dùng trong sản xuất để xuất khẩu, báo hiệu một chu kỳ xuất khẩu mạnh mẽ ổn định" - các chuyên gia của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định.
Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset, xuất khẩu sẽ dần lấy lại được đà tăng trưởng những tháng cuối năm nhờ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp dần hồi phục. Cụ thể, nhiều khu công nghiệp đang được chú trọng tăng cường phòng chống dịch và được ưu tiên tiêm vắc-xin. Riêng tỉnh Bắc Giang có kế hoạch đưa hơn 30.000 công nhân - lao động đi làm trở lại vào cuối tháng 7-2021 và cuối năm có thể đạt 120.000 người làm việc tại các khu công nghiệp, giúp khôi phục dần hoạt động sản xuất của các DN trong tỉnh.
Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chỉ số quản trị mua hàng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì mức phục hồi trên 50 điểm cũng là dấu hiệu tích cực. "Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang châu Âu quý đầu năm nay tăng 14,2% và nửa đầu năm ghi nhận tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc cũng như động lực mới từ châu Âu được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay và những năm tiếp theo" - ông Minh nhận định.
Tại kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê, có 27% số DN khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới trong quý II cao hơn quý I; 43,7% số DN có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định. Trong quý III, có 32,8% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,6% số DN dự kiến xuất khẩu ổn định...
Về phía DN, đại diện Samsung Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng dịch để bảo vệ sức khỏe của nhân viên và người dân địa phương. Đồng thời, bảo đảm ổn định sản xuất, nỗ lực hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đã đề ra.
DN phải tự nỗ lực
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hà Nội, TP HCM... Trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm của dịch Covid-19 với số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan... phải chật vật ứng phó. Do đó, bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội mới.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đề nghị các sở công thương tập trung thúc đẩy xuất khẩu, tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới, tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch trên thế giới để có biện pháp ứng phó kịp thời...
Kinh tế châu Á phục hồi chậm
Các quốc gia châu Á ghi nhận doanh số bán lẻ yếu kém trong bối cảnh gia tăng nhiều ca mắc Covid-19 mới do biến thể Delta.
Chuyên gia Lloyd Chan, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty Oxford Economics (Anh), cho rằng: "Tại hầu hết khu vực trên toàn châu Á, chúng tôi ghi nhận chi tiêu tiêu dùng cá nhân đang phục hồi nhưng tốc độ chậm và chưa thể trở lại mức trước đại dịch". Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến đà phục hồi chậm của châu Á là tốc độ tiêm chủng chưa bắt kịp các nước phương Tây bởi tình trạng thiếu hụt vắc-xin.
Trong khi đó, giá dầu biến động mạnh trong phiên vừa qua chủ yếu do OPEC+ không đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ trong thời gian tới. Sự sụp đổ của các cuộc thảo luận giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối làm gia tăng nỗi lo về nguy cơ nguồn cung lại dư thừa. Kết thúc phiên giao dịch hôm 6-7, giá dầu thô Brent ở mức 74,53 USD dù trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 10-2018, là 77,84 USD/thùng. "Thị trường lo ngại UAE sẽ can thiệp và đơn phương bổ sung dầu vào sản lượng trong khi những thành viên khác của OPEC cũng sẽ có động thái tương tự" - ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng kỳ hạn của Mizuho, nói. Còn cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Dan Brouillette hôm 6-7 nhận định với đài CNBC rằng giá dầu có thể "rất dễ dàng" đạt 100 USD/thùng do hậu quả của cuộc đàm phán OPEC+ thất bại.
Trước sự lo ngại của các nhà đầu tư về quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 chậm lại, thị trường chứng khoán Mỹ hôm 6-7 giảm điểm trên diện rộng khi chỉ số Dow Jones giảm khoảng 209 điểm, đóng cửa ở mức 34.577,37 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,2% còn 4.343,54 điểm khi kết phiên hôm 6-7. Đây là phiên đi xuống đầu tiên của chỉ số này sau chuỗi 7 phiên lên đỉnh liên tiếp, chuỗi phiên dài nhất kể từ tháng 8-2020.
Xuân Mai
Xem thêm: mth.56380312270701202-gnourt-gnat-ad-ial-yal-es-uahk-taux/et-hnik/nv.moc.dln