Tuyển Anh chỉ còn cách chức vô địch Euro 2020 một trận đấu nữa - Ảnh: REUTERS
Chắc chắn tình làng nghĩa xóm của bạn sẽ ngày một xấu đi. Nhưng bạn nghĩ việc đó có ý nghĩa gì nhiều, bởi bạn có làm gì đi nữa thì gã cũng đã ghét bạn rồi.
Có lẽ đó là tâm trạng của HLV Gareth Southgate cùng các học trò lúc này, sau khi tuyển Anh đã giành quyền vào chơi trận chung kết Euro 2020.
"It’s coming home" là câu khẩu hiệu quen thuộc mà người Anh dùng để cổ vũ đội nhà ở các giải đấu lớn. Nó có nguồn gốc từ ca khúc "Three Lions" do bộ đôi danh hài Frank Sinner - David Baddiel và ban nhạc The Lightning Seeds sáng tác để cổ vũ tuyển Anh tại Euro 1996.
Trong bài nhạc có câu hát được lặp đi lặp lại liên tục là: "It’s coming home! It’s coming home! It’s coming, football’s coming home!". Tạm dịch những câu đó ra như thế này: "Nó đang trở về nhà! Nó đang trở về! Nó đang tới, bóng đá đang trở về nhà!".
Từ "home" (nhà) được hiểu theo hai nghĩa. Đầu tiên là việc người Anh luôn tự hào rằng họ khởi thủy ra bóng đá (dù không ai chứng minh được). Nên khi Euro 1996 được tổ chức ở Anh, thì "bóng đá đang trở về nhà" mang ý nghĩa đó.
Còn nghĩa thứ hai, thì là một cách ẩn dụ ám chỉ tuyển Anh sẽ vô địch. Kết quả: họ thất bại cay đắng trước người Đức trên loạt sút luân lưu tại bán kết.
Nhưng điều đó không thể ngăn ca khúc "Three Lions" phổ biến mạnh và được ví như "quốc ca" để cổ vũ bóng đá Anh. Giai điệu dễ hát, lời dễ nhớ, mà ý nghĩa thì đầy tự hào - nên "It’s coming home" trở thành câu khẩu hiệu được nhại đi nhại lại bởi người Anh ở các kỳ World Cup hay Euro.
Cái niềm tự hào có phần huyễn hoặc đó khiến tuyển Anh thường bị ghét mỗi khi họ thi đấu. Bởi đơn giản họ có gì để tự hào? "Tam sư" chỉ mới một lần vô địch World Cup vào năm 1966. Còn Euro 2020 chỉ mới là lần thứ hai họ góp mặt trong trận chung kết của một giải đấu lớn.
Đức, Pháp, Ý - những đội được xem là kỳ phùng địch thủ của tuyển Anh, thì bỏ xa họ ở khoản này. Thậm chí ở Euro, Anh còn kém cả Đan Mạch và Hy Lạp, những đội đều từng một lần đăng quang.
Bóng đá chưa trở về "nhà" thêm lần nào kể từ năm 1966. Nhưng người Anh vẫn cứ đi rêu rao những câu hát như thế, tới nỗi họ khiến nhiều người phải phát bực.
Thủ thành Kasper Schmeichel trước trận bán kết với tuyển Anh đã châm biếm: "Đã có gì trở về nhà chưa? Tôi không rõ, họ có vô địch hay chưa?".
Nhưng với tuyển Anh, họ mặc kệ điều đó. Họ từng có những thời khắc tăm tối như khi dừng bước từ vòng bảng World Cup 2014, hay bị loại ở vòng 16 đội bởi đội vô danh Iceland tại Euro 2016. Nhưng điều đó không ngăn cản niềm kiêu hãnh của "tam sư".
Gã hàng xóm cáu gắt kia có thể xem là các đội bóng khác, còn bạn chính là đội tuyển Anh đầy ngạo nghễ. Bạn tự hào bảo rằng "It’s coming home" dù gã bảo rằng "Còn lâu!".
Bạn cứ tận hưởng niềm vui, cho dù nhiều người nói rằng Sterling "ăn vạ" và quả phạt đền trong trận gặp Đan Mạch tại bán kết là sai lầm của trọng tài.
Nhưng có hề gì. Bạn đã vào chung kết!
Tuyển Anh ở Euro 2020 có cái chất gì đó rất "khó ưa". Họ từ tốn, thong dong tới mức nhàm chán ở vòng bảng và nhận nhiều chỉ trích. Nhưng càng đi sâu, họ càng bộc lộ được sự đáng sợ của mình.
Bóng đá chỉ còn cách "nhà" một trận nữa thôi. "It’s coming home" chắc chắn sẽ phủ kín khán đài sân Wembley để cổ vũ cho đoàn quân của ông Southgate. Các CĐV khác dù không thích nghe thì vẫn phải chấp nhận, bởi lâu rồi "tam sư" mới ở gần "nhà" như thế này.
TTO - Tuyển Anh đã vượt qua Đan Mạch 2-1 để góp mặt ở chung kết Euro 2020, nhờ quả phạt đền gây tranh cãi phút 103. Trên mạng xã hội Twitter, Facebook và Instagram, nhiều người hâm mộ thế giới chỉ trích: 'quả phạt đền cho tuyển Anh là trò hề'.
Xem thêm: mth.27530719080701202-hna-iougn-auc-au-ohk-ueih-uahk-uac-emoh-gnimoc-sti/nv.ertiout