Ca sĩ - nhạc sĩ Đình Văn (phải) biểu diễn trong chương trình Dấu ấn huyền thoại - tập 5 - Ảnh: Đ.Q.
Đến nay chương trình đã phát sóng được 9 số, mỗi số đều mang đến cho người xem những cảm xúc đặc biệt.
Những phút giây cảm xúc
Với mô hình talkshow ngắn xen kẽ những màn trình diễn để khắc họa nhân vật, Dấu ấn huyền thoại có được điểm nhấn bởi cách xây dựng chương trình như một liveshow nhỏ trên truyền hình dành cho nghệ sĩ.
Mỗi nhân vật được chọn đều có bề dày hoạt động nghệ thuật tạo nên dấu ấn. Đó là những nghệ sĩ mà khi họ cất lên tiếng hát, khán giả ở dưới say sưa thưởng thức và lẩm nhẩm hát theo. Có những người mà có khi cả mười mấy hai chục năm không xuất hiện trên truyền hình giờ "tái xuất" như ca sĩ Nhất Sinh, Đình Văn...
Ai hâm mộ ca sĩ - nhạc sĩ Nhất Sinh sẽ có một bữa thưởng thức nghệ thuật "đã đời" với những ca khúc từng vang lên khắp ngõ phố như Tơ hồng, Chim sáo ngày xưa, Hát về cây lúa hôm nay, Thuở ban đầu...
Ai mê Đình Văn sẽ có dịp nghe lại bài Thành phố của tôi, Thành phố mười mùa hoa, Những bông hoa trên tuyến lửa, những bài hit trong serie Mưa bụi...
Giới mộ điệu cải lương thì sẽ có dịp xem Bạch Tuyết ở Đời cô Lựu và Diễn kịch một mình - vở diễn đặc sắc mà rất nhiều năm bà chưa diễn lại. Khán giả của Thanh Tuấn được xem Đường gươm Nguyên Bá, Chu Văn An...
Phần trò chuyện trong chương trình không chiếm sóng quá nhiều nhưng chắt lọc, giúp khán giả hiểu thêm về loại hình nghệ thuật mà nhân vật gắn bó cả đời.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết đắm đuối vì văn chương cải lương rất tinh túy. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng nói về bàn tay trái "thần thánh" diễn tả được nội tâm sâu sắc trong kỹ thuật chơi đàn tranh...
Giữ gìn những ký ức đẹp
Dẫn chương trình Dấu ấn huyền thoại là Color Man, tức là ông Bửu Điền, chủ tịch Công ty truyền thông - giải trí Điền Quân - đơn vị sản xuất chương trình.
Ông Bửu Điền cho biết ông ôm ấp ý tưởng chương trình từ rất lâu, mong có duyên để thực hiện, bởi cá nhân ông luôn muốn tìm hiểu những "huyền thoại" mình từng đắm mình xem - nghe ngày xưa ấy giờ ra sao. Và ông Điền tin rằng có rất nhiều khán giả ở độ tuổi trung niên muốn sống lại những ký ức tươi đẹp qua những bài ca, vai diễn của các nghệ sĩ mình hâm mộ.
Chữ "huyền thoại", theo suy nghĩ của ông Điền, cũng khá mở, không chỉ là những nghệ sĩ lớn tuổi vang bóng một thời mà cũng có thể là những nghệ sĩ ở tuổi ngoài năm mươi có thời gian mấy chục năm cống hiến cho nghệ thuật, chỉ cần là "huyền thoại" trong lòng số đông khán giả.
Nghệ sĩ Châu Thanh trong quá trình làm việc với chương trình đã bày tỏ cảm xúc: "Xúc động và hạnh phúc lắm. Mình cảm nhận được sự trân quý của anh em với mình, với cái nghề của mình.
Bao nhiêu năm mới được hát lại Vụ án Mã Ngưu cùng với Phượng Hằng, được chương trình tạo cơ hội cho mình được chia sẻ trường phái ca vọng cổ hơi dài, để khán giả thấy rằng cải lương mình thật phong phú, còn nhiều cái hay cần được tìm hiểu, khai phá lắm!".
Hiện tại, chương trình đang khai thác những "huyền thoại" gắn với âm nhạc (cổ nhạc, tân nhạc, nhạc sĩ) vì lĩnh vực này gần gũi, dễ tiếp cận với số đông khán giả. Êkip cũng đang tìm kiếm để khán giả có thể gặp gỡ những gương mặt ở lĩnh vực khác.
TTO - Phục vụ khán giả nhí dịp hè này, một số chương trình truyền hình - đang và sắp phát sóng - mong muốn sẽ giúp trẻ phần nào bớt tẻ nhạt khi vẫn phải ở nhà toàn thời gian.
Xem thêm: mth.3700950270701202-ioht-tom-ohn-gnuhn-iog-iaoht-neyuh-na-uad/nv.ertiout