Từ sáng sớm 8-7, rất nhiều người dân TP HCM đã tập trung xếp hàng tại các siêu thị, cửa hàng để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Ai nấy đều mua số lượng lớn vì có tâm lý tích trữ để chuẩn bị cho những ngày TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Kênh đặt hàng online của các siêu thị cũng ghi nhận lượng đơn hàng tăng 5-7 lần, thậm chí trên 10 lần trong 3 ngày trở lại đây, đặc biệt trong ngày 7-7, đến 11-12 giờ khuya vẫn còn rất nhiều đơn đặt hàng gửi về hệ thống. Lượng khách truy cập, đặt hàng quá đông khiến một số thời điểm bị nghẽn mạng. Cũng do đơn hàng quá nhiều, siêu thị, cửa hàng thực phẩm xử lý không xuể dẫn đến tồn đọng, chậm giao hàng cho khách.
Trước diễn biến này, các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart, Vinmart+, Bách Hóa Xanh, Aeon, Big C, LOTTE Mart, Emart... một lần nữa khẳng định lượng lương thực thực phẩm chuẩn bị, cung ứng cho thị trường TP HCM không thiếu.
Đầu giờ sáng 8-7, rau củ quả chất đầy kệ hàng các siêu thị; lượng dự trữ trong kho cũng gia tăng so với những ngày trước
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op - một trong những đơn vị bán lẻ chủ lực của TP HCM - cho biết có những mặt hàng đang dự trữ 1 tháng, có mặt hàng 3-6 tháng mới hết. Chỉ riêng nhóm hàng thiết yếu, tổng trữ lượng luôn duy trì khoảng 40.000 tấn cho thị trường TP.
"Tôi đi 1 vòng các siêu thị, thấy có hiện tượng thiếu hàng thực phẩm tươi sống cục bộ do bà con mua gom và do logistic, hậu cần chưa phát triển kịp với tốc độ tiêu thụ tăng gấp nhiều lần" - ông Đức nói đồng thời kêu gọi người tiêu dùng bình tĩnh, đừng hoang mang.
Nhà bán lẻ khẳng định không thiếu hàng, chỉ thiếu cục bộ do khách mua gom quá nhiều
Cũng theo ông Đức, Saigon Co.op đang cùng lúc đẩy mạnh 5-6 hình thức bán hàng. Một hoạt động mới tại 7-10 cửa hàng là dịch vụ "Pick & Ship", khách đến siêu thị chỉ ngồi 1 chỗ chọn sản phẩm cần mua, nhân viên siêu thị sẽ soạn hàng và giao tận tay.
Bên cạnh đó, khách có thể mua hàng qua website co.oponline.vn với 7.000 chủng loại hàng hoá. App mua sắm của Saigon Co.op cũng đã kích hoạt chức năng mua sắm tại nhà.
Đồng thời, Saigon Co.op cũng đã phối hợp với các bên thứ 3 như Grab, Now... để thêm kênh mua hàng cho khách.
Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng thuộc Saigon Co.op đang tổ chức phân phối hàng sỉ từ 5-10 mặt hàng cho người dân trong khu cách ly tại quận, huyện, TP Thủ Đức.
"Nền tảng kỹ thuật do chuẩn bị trong thời gian quá ngắn nên có những lúc gây ra tình trạng nghẽn tắc do lượng đặt hàng quá lớn. Vì vậy, bà con nên cân đối lại, không nên dồn dập đi mua hàng hoặc đặt hàng online mà cần yên tâm là nguồn hàng không thiếu, doanh nghiệp đang tổ chức bài bản lại để nguồn hàng lần lượt, tuần tự đến bà con" - ông Đức bày tỏ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP, cho hay trong điều kiện hệ thống phân phối truyền thống gặp trục trặc do thực hiện phòng chống Covid-19, ngành công thương đã làm việc với các doanh nghiệp để bổ sung hàng hóa cho người dân thông qua kênh phân phối hiện đại, bằng nhiều hình thức khác nhau. TP HCM cũng đang phối hợp với các tỉnh để tạo điều kiện cho hàng hóa lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu lưu thông thuận tiện, bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường TP.
Sở Công Thương TP HCM đang tham mưu, trình UBND TP HCM xem xét, phê duyệt phương án điều tiết hàng hóa thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao và nhận hàng hóa để bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt đến người tiêu dùng TP, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.