Công ty cổ phần (CTCP) Hoàng Anh Gia Lai (HAG) mới đây đã có nghị quyết về việc góp vốn thành lập công ty con trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện, mang tên Công ty TNHH Một thành viên Bờ Y (Công ty Bờ Y), tọa lạc tại tỉnh Kon Tum.
Theo nghị quyết được đưa ra, Công ty Bờ Y có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất điện sinh khối. Ngoài ra, công ty còn hoạt động trong truyền tải, phân phối điện; lắp đặt hệ thống điện; trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp; sản xuất các loại gỗ…
HĐQT HAGL cũng thống nhất cử ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc là người đại diện quản lý phần vốn góp 50 tỷ đồng này.
Việc thành lập công ty con mới trong mảng điện nói trên cũng đánh dấu việc doanh nghiệp của bầu Đức trở lại mảng kinh doanh này sau 2 năm tập trung cho nông nghiệp.
Trước đó ngày 10/6, theo trang thông tin điện tử Ban quản lý kinh tế tỉnh Kon Tum, HAGL dự kiến triển khai dự án: Trồng rừng cây gỗ lớn với tổng diện tích khoảng 2.000 ha; xây dựng nhà máy điện sinh khối công suất 100 MW (nhà máy này sử dụng nguyên liệu chính là gỗ trồng rừng, gỗ còn thừa sau khi chế biến và các phế phẩm nông nghiệp để phát điện); xây dựng nhà máy chế biến gỗ, sản xuất viên nén... tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng.
HAGL bắt đầu tham gia ngành điện từ giai đoạn 2008-2010. Trong giai đoạn này, dù không phải mảng kinh doanh lớn nhất, nhưng bán điện vẫn đều đặn mang về cho doanh nghiệp của bầu Đức hơn 100 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.
Tuy nhiên, năm 2013, HAGL đang nắm giữ nhiều dự án nhà máy điện nhất thì lại chuyển hướng tập trung mảng mía đường và dần giảm tỷ trọng mảng điện.
Đến năm 2014, mía đường trở thành nguồn thu chủ đạo của HAGL, ngược lại, tập đoàn không còn ghi nhận doanh thu từ bán điện.
Tuy nhiên, đến năm 2019, HAGL mới quyết tâm rời khỏi mảng thủy điện khi khi thanh lý một loạt dự án nhà máy điện như Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3, CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai; CTCP Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn…
Sau khi thanh lý, HAGL chỉ còn tập trung chủ yếu vào nông nghiệp. Tuy nhiên, trong 2 năm tập trung mảng nông nghiệp cũng không đem lại hiệu quả, HAGL liên tục phải thoái vốn khỏi HAGL Agrico (HNG) để lấy tiền trả nợ.
Tính từ đầu năm đến nay, HAGL đã bán ra khoảng 203 triệu cổ phiếu HNG. Cụ thể, hôm 16/5, tập đoàn này đã bán thỏa thuận gần 80 triệu cổ phiếu HNG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,28% xuống 16,07%. Sau đó, HAGL đã tiếp tục đăng ký bán 51,5 triệu cổ phiếu HNG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 16,07% xuống 11,43% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 7/7 đến 5/8, mục đích là để tái cơ cấu tài chính.
Số tiền HAGL thu về từ thương vụ kể trên đã được dùng để tất toán các khoản nợ tại HDBank.
Sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico, báo cáo tài chính hợp nhất quý I của HAGL ghi nhận điểm tích cực nhất trên bảng cân đối kế toán là tổng nợ đi vay giảm tới 9.393 tỷ so với đầu năm còn 8.710 tỷ đồng. Đây là mức nợ thấp nhất của tập đoàn trong gần chục năm qua.
Năm nay, doanh nghiệp của đại gia Đoàn Nguyên Đức dự kiến ghi nhận 1.400 tỷ đồng doanh thu và lỗ kế hoạch 84 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau quý I, HAGL mới ghi nhận 266 tỷ đồng doanh thu và đã lỗ ròng hơn 58 tỷ đồng.