Sự sụt giảm diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đưa ra những biện pháp cứng rắn đối với các công ty công nghệ, khiến nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo những cổ phiếu này.
Hang Seng China Enterprises Index mất 3% ở phiên ngày hôm nay, kéo dài mức giảm kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 2 lên khoảng 19%. Đà lao dốc diễn ra khi các cổ phiếu công nghệ lớn nhất đại lục, bao gồm Meituan, Alibaba và Tencent, đều giảm ít nhất 3,6%.
Làn sóng bán tháo diễn ra sau khi cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc bất ngờ yêu cầu các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ Didi Chuxing hồi cuối tuần qua. Động thái này đã giáng một đòn mạnh vào gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe này, chỉ vài ngày sau khi công ty thực hiện đợt IPO lớn tại Mỹ.
Trong phiên này, diễn biến tiêu cực của Hang Seng Tech Index đã kéo dài mức sụt giảm từ đầu tuần đến nay lên hơn 7%. Đây là mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ cuối tháng 2, khi kế hoạch tăng thuế đối với hoạt động giao dịch cổ phiếu được đưa ra kích hoạt đợt chốt lời.
Hang Seng Index tại Hồng Kông hiện đã giảm tới 2,8%, xóa sạch mức tăng trong năm nay.
Kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 2, vốn hóa của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã mất gần 900 tỷ USD.
Diễn biến của Hang Seng China Enterprises Index.
Sự thay đổi bất ngờ trong quan điểm của Trung Quốc tiếp tục trở nên căng thẳng hơn, khi hôm 7/7, giới chức nước này báo hiệu nền kinh tế cần thêm sự hỗ trợ của NHTW. Do đó, tâm lý nhà đầu tư càng rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Hiện tại, nhà đầu tư đang lo sợ sẽ còn nhiều vấn đề xảy ra đối với lĩnh vực công nghệ trong tương lai, khi Bắc Kinh tiếp tục cân nhắc về những thay đổi trong quy tắc. Điều này có thể cho phép họ ngăn chặn những đợt niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài.
Nhà đầu tư đang lo ngại rằng các cuộc điều tra về vấn đề bảo mật đã mở ra một "mặt trận" mới trong chiến dịch kiểm soát các gã khổng lồ internet của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chiến dịch này đã được bắt đầu vào tháng 11, khi đợt IPO "bom tấn" của Ant Group bị đình chỉ vô thời hạn và những cuộc điều tra sau đó với Alibaba, Meituan. Cuối tuần qua, Trung Quốc cũng có động thái gắt gao với 2 công ty khác mới niêm yết tại New York là Full Truck Alliance Co. và Kanzhun Ltd.
Katherine Chan – nhà phân tích nghiên cứu cổ phiếu tại Union Bancaire Privée, nhận định: "Có thể, chính phủ Trung Quốc sẽ còn có những biện pháp thắt chặt hơn nữa khi thực hiện những cuộc điều tra hiện tại, ví dụ như chống độc quyền đối với các nền tảng internet."
Các nhà phân tích của Jefferies nhận định trong một lưu ý phát hành ngày hôm qua: "Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc có động lực để hạn chế các công ty niêm yết ở nước ngoài trong tương lai. Họ muốn ít phụ thuộc hơn vào thị trường vốn của Mỹ để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Đồng thời, họ muốn phát triển thị trường chứng khoán của riêng mình và nâng cao vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông."
Justin Tang – trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á tại United First Partners, nhận định rằng, nhà đầu tư dường như đang có cách tiếp cận "bán trước, trình bày sau" để hạn chế rủi ro từ chính sách đối với danh mục đầu tư.
Trong khi đó, theo Jian Shi Cortesi – nhà quản lý quỹ tại GAM Investment Management, giá các cổ phiếu này biến động do tâm lý trong ngắn hạn, thay vì những nguyên tắc cơ bản của doanh nghiệp.
Tham khảo Bloomberg