Mặc Covid-19, với đặc thù ngành, Digiworld vẫn tiếp tục những ngày tháng hoa mộng, khi liên tục tăng trưởng qua từng quý và từng năm.
Theo báo cáo tài chính mới nhất từ Digiworld (DGW), bất chấp mùa thấp điểm, doanh nghiệp này vẫn hoàn thành mục tiêu đề ra trong quý II/2021. Cụ thể: doanh thu Digiworld đạt 4.166 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 101 tỷ, tăng trưởng lần lượt 61% và 110% so với cùng kỳ.
Trong đó, tăng trưởng lớn nhất chính là mảng thiết bị văn phòng, mang về doanh thu 657 tỷ đồng, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ đầu năm, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM liên tục xảy ra cao trào Covid, khiến các doanh nghiệp buộc phải mua sắm trang thiết bị nhiều hơn để phục vụ cho nhân viên WFH.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu của Digiworld đạt 9.173 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt 208 tỷ đồng, cán mốc 60% doanh thu và 69% lợi nhuận theo kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm trước, doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 87%, lợi nhuận tăng 123%.
Tại ĐHCĐ 2021, DGW đã thông qua nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận 300 tỷ đồng. Quý II luôn là thời gian thấp điểm trong ngành buôn bán hàng ICT, nhưng DWG vẫn mang về kết quả tích cực hơn mong đợi, nên nhiều khả năng chuyện hoàn thành kế hoạch năm là trong tầm tay của doanh nghiệp này.
Về mảng laptop và máy tính bảng: doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.682 tỷ đồng – tăng 43% so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch.
Về mảng điện thoại: doanh thu đạt 4.956 tỷ đồng, chiếm hơn 1/2 trong cơ cấu doanh thu của DWG; tăng 117% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 66% kế hoạch.
Về mảng thiết bị văn phòng: doanh thu đạt 1.375 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 63% kế hoạch.
Về mảng hàng tiêu dùng: doanh thu đạt 160 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, mới hoàn thành 31% kế hoạch. Dù DGW kỳ vọng vào mảng mới này rất nhiều, nhưng doanh thu và lợi nhuận của mảng này vẫn đang tăng trưởng khá chậm: 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu đạt 116 tỷ đồng, lên 2020 là 122 tỷ đồng và 2021 là 160 tỷ. Có thể DGW là cái tên sừng sỏ ở mảng ICT B2B tại Việt Nam, nhưng chuyển sang mảng B2B mới không hề dễ.
Tóm lại, công việc kinh doanh của Digiworld ngày càng phát triển và tăng trưởng tốt, ngoài tác động tích của thời cuộc là đại dịch, còn sự rút lui của một vài đối thủ cạnh tranh với Xiaomi, như VinSmart.
Vào tháng 5/2021, Tập đoàn Vingroup gần đây đã công bố dừng sản xuất các mẫu điện thoại di động (thương hiệu Vsmart) và tivi mới.
Điện thoại di động Vsmart gia nhập thị trường vào cuối năm 2018 và giành được thị phần đáng kể từ đó. Giá bán của Vsmart dao động từ 600.000 đồng đến 8,5 triệu đồng, tức hướng đến phân khúc giá rẻ. Năm 2020, có 1,95 triệu chiếc điện thoại Vsmart được bán ra.
Theo GFK, đến cuối tháng 3/2021 thị phần của Vinsmart và Xiaomi lần lượt là 8,2% và 13%.
Báo cáo gần đây của SSI dẫn lời Digiworld, nhà phân phối độc quyền thương hiệu Xiaomi tại Việt Nam cho biết: do sự cạnh tranh với Vsmart, các dòng Redmi giá rẻ của Xiaomi bị ảnh hưởng từ quý II/2020. Với việc Vingroup ngừng ra mắt các mẫu Vsmart mới, các mẫu Redmi của Xiaomi sẽ dần giành lại thị phần.
"Ước tính Xiaomi sẽ giành thêm 1-2% thị phần từ việc Vsmart rời thị trường. Điều này sẽ giúp Digiworld - với tư cách là nhà phân phối độc quyền của Xiaomi tại Việt Nam, có thể duy trì đà tăng trưởng cao vào năm 2022 trở đi, khi các mẫu Vsmart trở nên lỗi thời và khi mạng 2G không còn ở Việt Nam", SSI cho biết.
SSI ước tính các sản phẩm smartphone Xiaomi sẽ đóng góp 77% doanh thu của Digiworld trong năm 2021. Lãi sau thuế năm nay của công ty này sẽ tăng 54%, đạt mức 391 tỷ đồng.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị