"Mây" phủ kín Đông Nam Á
Theo quan sát của AWS hơn một năm qua, xu thế chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ tại khắp khu vực ASEAN, không còn doanh nghiệp thắc mắc về chuyện vì sao nên đầu tư vào điện toán đám mây mà thay vào đó là quan tâm nhiều hơn đến việc điện toán đám mây đầu tư như thế nào, mở rộng ra sao và khả năng tạo ra các mô hình kinh doanh mới nhiều hơn.
Có nhiều lý do dẫn đến việc này, đầu tiên đó là lý do về nâng cao độ ổn định của các tổ chức, đưa ra các mô hình hoạt động dựa trên đám mây để không bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách. Thứ hai là khả năng giảm chi phí đáng kinh ngạc của công nghệ này. Cuối cùng là khả năng mở rộng công suất hệ thống theo nhu cầu.
"Từ các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cho đến các nhà phát triển ứng dụng phần mềm", ông Conor chia sẻ.
Đây được xem là cột mốc rất quan trọng với AWS, từ nền tảng công nghệ của những kỳ lân công nghệ như Grab, Traveloka, Gojek, Pomelo…các dịch vụ của công ty đã chạm tới nhiều doanh nghiệp không truyền thống ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điển hình như một nhà cung cấp dịch vụ ở Philippines đã chuyển sang môi trường điện toán đám mây để hạ thấp chi phí, một công ty bảo hiểm của Singapore cũng đã triển khai hệ thống của họ trên nền tảng Amazon Connect trong vòng 48 giờ để triển khai trung tâm dịch vụ khách hàng trên môi trường điện toán đám mây.
Ông Conor cho biết sẽ mở rộng hạ tầng công nghệ ở Đông Nam Á trong thời gian tới để giảm độ trễ cũng như tăng băng thông để phục vụ các nhu cầu ngày càng cao ở khu vực.
"Trước đây, AWS được các doanh nghiệp coi là những công cụ để xây dựng nên những giải pháp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thế nhưng bây giờ, AWS đã phát triển trở thành những giải pháp hoàn chỉnh dành cho các doanh nghiệp. Và chúng tôi rất vui mừng vì điều đó", ông Conor nói.
Nhìn về Việt Nam
Người đứng đầu AWS khu vực Đông Nam Á tin rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chuyển đổi số năng động hàng đầu khu vực vì quyết tâm phát triển nền kinh tế số của chính phủ Việt Nam. Trên thực tế, chỉ tính riêng ở Việt Nam thôi, tập khách hàng của AWS đã được trải rộng trong rất nhiều ngành nghề cho thấy sự năng động và nhạy bén của các nhà kinh doanh Việt Nam.
Cụ thể, trong lĩnh vực startup, có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng AWS làm nền tảng để xây dựng mô hình kinh doanh như TNEX, startup phục vụ những khách hàng chưa thụ hưởng dịch vụ ngân hàng đầy đủ. Trans, công ty cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình trên nền tảng đám mây cũng đã phát triển từ 1,000 khách hàng lên 450,000 khách hàng chỉ trong vài ngày hay như JobsGO, đã kết nối 1,2 triệu người tìm việc làm và 50,000 công ty qua nền tảng của họ. Hay NAB (Not A Basement Studio) cũng sử dụng AWS để rút ngắn khoảng thời gian triển khai nội dung trước đây từ 4 ngày xuống còn vài giờ và chi phí bảo trì, bảo dưỡng cũng giảm 50%.
Các doanh nghiệp truyền thống ở Việt Nam cũng nhanh chóng tham gia vào xu hướng lên mây như VPBank, VIB, Tân Hiệp Phát, Điện Quang, 30shine đang sử dụng nền tảng điện toán đám mây của AWS để mở rộng và tăng trưởng kinh doanh.
"Sự tăng trưởng này là kết hợp của chính sách nhà nước và sự nhận thức cũng như chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các tổ chức doanh nghiệp", ông Conor nói.
Bên cạnh đó, một điều thuận lợi giúp điện toán đám mây phát triển ở Việt Nam là trình độ nhân lực công nghệ của Việt Nam rất giỏi. Ông Conor cho biết công ty đã nhìn ra tiềm năng này nên đã và đang đầu tư rất mạnh vào mạng lưới đối tác, dịch vụ đặc biệt là hạ tầng ở Việt Nam.
Trong thời gian tới AWS sẽ triển khai các hệ thống biên – Edge Location, hệ thống OutPost ở Việt Nam để đưa các tài nguyên phần cứng đến với khách hàng nhanh hơn và công nghệ hỗ trợ dịch thuật sang tiếng Việt, ứng dụng công nghệ Machine Learning, AI… để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây hơn nữa ở Việt Nam.
Ông Conor cũng đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư điện toán đám mây rằng, hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ, mô hình điện toán đám mây mình có thể dùng thử trước khi mua hoặc là có thể là vừa làm, vừa sử dụng, vừa rút kinh nghiệm. Không có một cái mô hình vạn năng để cho mọi doanh nghiệp vừa và nhỏ theo đó để mà ứng dụng điện toán đám mây.
Thứ hai là phải lựa chọn nhà cung cấp ổn định, ít bị gián đoạn vì khi doanh nghiệp càng đưa nhiều dịch vụ lên mây đó sẽ là rủi ro lớn nhất. Cuối cùng là tầm nhìn dài hạn của nhà cung cấp dịch vụ.
"AWS luôn lấy khách hàng làm trọng tâm, và điều đã, đang và sẽ chảy trong huyết quản công ty, và chúng tôi tồn tại vì điều đó", ông Conor nói.
Ánh Dương
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Xem thêm: nhc.52953422180701202-hcid-aum-gnort-yagn-em-hnam-os-iod-neyuhc-naesa/nv.zibefac