Tờ NYPost đưa tin, dự án thử nghiệm kéo dài 5 năm ở Iceland cho phép người lao động làm việc 4 ngày 1 tuần cho thấy làm việc ít hơn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong 2 cuộc thử nghiệm quy mô lớn được thực hiện bởi chính phủ Iceland và thành phố Reykjavik từ năm 2015 đến 2019, các nhà nghiên cứu đã phân tích tác động của việc giảm thời gian làm việc trong tuần mà không giảm lương với 2.500 người lao động – tức là 1% tổng lực lượng lao động của Iceland.
"Những thử nghiệm này đã mang tới thành công vượt trội và kể từ khi hoàn thành, 86% người lao động trong nước đang làm việc với thời gian ngắn hơn hoặc có quyền rút ngăn giờ làm việc. Kết quả cho thấy khu vực công đã đủ điều kiện tiên phong cho mô hình tuần làm việc ngắn hơn. Đây là bài học cho những chính phủ khác", Will Strong, giám đốc nghiên cứu của Autonomy, chia sẻ trong kết luận nghiên cứu được công bố ngày 4/7.
Quan trọng nhất, nghiên cứu kết luận rằng người lao động cũng hạnh phúc hơn.
"Tinh thần của người lao động đã tăng đáng kể ở mọi khía cạnh, từ cách đối mặt áp lực đến mức mệt mỏi, sức khỏe và độ cân bằng giữa công việc với cuộc sống. Trong khi đó, năng suất và công việc vẫn được đảm bảo, thậm chí còn cải thiện ở nhiều môi trường làm việc".
Năm ngoái, Thủ tướng Sanna Marin, 34 tuổi của Phần Lan cũng đã đưa ra đề xuất sẽ đưa ra luật mới một tuần làm việc chỉ 4 ngày và mỗi ngày 6 tiếng. Marin nói: "Tôi tin rằng mọi người xứng đáng có được nhiều thời gian hơn dành cho gia đình, người thân, sở thích của bản thân và các khía cạnh khác của cuộc sống. Đây có thể xem như là bước tiến lớn của chúng ta trong công cuộc cân bằng giữa việc đi làm và cuộc sống hàng ngày".
Trước đó vào năm 2015, nước láng giềng Thụy Điển đã thử nghiệm một tuần làm việc mỗi ngày kéo dài 6 giờ ở Gothenburg. Kết quả cho thấy mức độ hạnh phúc của mọi người đều tăng lên nhưng đối mặt với nó là gánh nặng cho nền kinh tế. Năm 2000, Pháp cũng đã giảm tuần làm việc tiêu chuẩn xuống từ 39 tiếng đồng hồ xuống còn 35 giờ.
Các công ty trên khắp thế giới cũng từng ủng hộ ý tưởng giảm số giờ làm việc trong tuần xuống. Vào tháng 11/2019, Microsoft Nhật Bản tiết lộ rằng chương trình chạy thử "một tuần làm việc bốn ngày" đã giúp năng suất tăng lên đến 40%.
Năm 2018, sau khi áp dụng thành công 1 tuần làm việc có 4 ngày trong vòng 2 tháng, một công ty ở New Zealand đã gọi chương trình này là sự thành công giúp cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Theo: NYPost
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị