Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - Ảnh: Bệnh nhân cung cấp
Suốt một năm qua cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, bà Nguyễn Thị Màu (57 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) lại được con trai chở đến Bệnh viện Trưng Vương để chạy thận. Thế nhưng tới đây việc chạy thận có thể bị gián đoạn bởi bệnh viện vừa được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19.
Không kham nổi chi phí
Chỉ sau một ngày chuyển đổi, Bệnh viện Trưng Vương đã phát hiện một nam điều dưỡng dương tính với COVID-19. Lo lắng mầm bệnh lây lan, ảnh hưởng đến các bệnh nhân đang chạy thận, bệnh viện phải chuyển tất cả bệnh nhân chạy thận qua một số bệnh viện khác như An Sinh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Chợ Rẫy.
"Tình trạng bệnh của mẹ tôi diễn tiến ngày càng xấu, mỗi tuần phải tuân thủ chạy thận đủ 3 lần, nếu giờ chuyển sang bệnh viện khác sẽ là cả một khó khăn phía trước về di chuyển và kinh tế bởi chi phí tăng lên gấp 4, 5 lần dù có BHYT" - anh Nguyễn Xuân Minh Dương, con trai bà Màu, chia sẻ.
Chuyển viện đồng nghĩa với việc gia đình phải gánh khoản chi phí điều trị dao động 8 - 10 triệu đồng mỗi tháng, bao gồm cả phí test COVID-19 dù có BHYT. Trong khi trước đây điều trị ở Bệnh viện Trưng Vương chỉ từ 2-3 triệu đồng.
Chung một nỗi lo, để có chi phí chạy thận duy trì sự sống, có rất nhiều hoàn cảnh người bệnh chỉ biết ngậm ngùi đi vay mượn tiền.
Ngoài ra, chi phí chạy thận tăng vọt còn do... chỗ ở bị phong tỏa. Như gia đình bà P.T.N.H., 66 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, phải chi trả phí bỗng tăng cao so với trước đó. Lần tăng cao nhất ước tính khoảng 1,5 triệu đồng so với trước khi nhà bà bị phong tỏa.
Gia đình bà H. có bốn người thì hai người (bà và con bà) phải chạy thận nhân tạo. Trước đây, bà phải chạy thận nhân tạo 3 lần mỗi tuần tại Bệnh viện An Sinh. Con trai bà, 42 tuổi, cũng bị bệnh, biến chứng và chạy thận như bà.
Sau khi nơi ở của bà bị phong tỏa, dù kết quả xét nghiệm sàng lọc hai mẹ con đều âm tính với COVID-19, nhưng Bệnh viện An Sinh đã từ chối chạy thận cho hai mẹ con bà và hướng dẫn đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh để điều trị.
Chuyển đến bệnh viện mới, mẹ con bà phải đóng tiền tạm ứng 2 triệu đồng và nghe nói một người sẽ phải đóng thêm khoảng 1,5 triệu đồng cho một lần chạy thận so với trước đó.
Bà H. kể nhiều năm nay, hai mẹ con bà là bệnh nhân nan y mãn tính, không còn sức lao động, việc điều trị bệnh bình thường đã phải trông cậy vào sự trợ giúp của thân nhân và chính sách BHYT. Hiện nay do tình hình dịch bệnh, đời sống gặp nhiều khó khăn, nếu phải gánh chịu thêm các chi phí điều trị bệnh, gia đình bà sẽ lâm vào cảnh khốn cùng.
Tại sao phải chuyển bệnh nhân?
Đại diện Bệnh viện An Sinh trả lời hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 320 bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối, trong đó hỗ trợ Bệnh viện Trưng Vương gần 60 bệnh nhân trong thời gian bệnh viện này được chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19.
Do số bệnh nhân tăng đột xuất, bệnh viện đã phải tổ chức chạy 5 ca liên tục trong ngày (ca 5 chạy từ 24h đêm đến 5h sáng). Tất cả nhân viên trong khoa lọc máu đã có dấu hiệu kiệt sức, hiện phải điều động các nhân viên khoa khác sang hỗ trợ.
Không những thế, bệnh viện vừa cấp cứu một bệnh nhân suy thận mãn giai đoạn cuối bị ngừng tuần hoàn - hô hấp ngay khi tới bệnh viện, sau khi cấp cứu thành công thì cũng là lúc có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với COVID-19.
Trước đó, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên của bệnh nhân này là âm tính, nên một số nhân viên của bệnh viện trở thành F1, F2 càng gây thiếu hụt nhân lực chuyên khoa hơn.
Đối với hai mẹ con bà H. do nằm trong khu bị phong tỏa, mặc dù xét nghiệm sàng lọc ban đầu là âm tính nhưng theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Bộ Y tế, đây là nhóm bệnh nhân có nguy cơ rất cao, và trên thực tế có rất nhiều trường hợp tương tự, xét nghiệm sàng lọc trước đó vài ngày là âm tính nhưng sau đó dương tính sẽ gây nhiễm cho nhiều người khác.
Vì vậy bệnh viện đã tư vấn bệnh nhân và liên hệ với Bệnh viện Lê Văn Thịnh là nơi có đủ điều kiện và được phân công điều trị cho nhóm bệnh nhân này để hỗ trợ tiếp nhận hai bệnh nhân trên vào điều trị.
Cam kết được hưởng BHYT như cũ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Chiến, giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, cho biết hiện đơn vị đang điều trị cho hơn 170 bệnh nhân chạy thận đến từ khắp các tỉnh thành.
Khi chuyển đổi công năng điều trị COVID-19, khả năng nhiễm bệnh cho các bệnh nhân chạy thận rất cao, do đó buộc phải tạm phân bổ số bệnh nhân qua những đơn vị lọc máu khác, chỉ chạy thận cho các ca là F0.
"Các bệnh nhân lọc máu phải điều chuyển đến nơi khác mục đích là tránh các trường hợp lây nhiễm COVID-19, bởi các bệnh nhân chạy thận vốn sức khỏe đã không tốt" - bác sĩ Chiến nói.
Cũng theo bác sĩ Chiến, hiện tại số lượng bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện rất đông, do vậy việc điều chuyển phải diễn ra từng đợt. Để chia sẻ cùng với người bệnh, bệnh viện đang nỗ lực liên hệ với các đơn vị khác nhằm tiếp nhận và phân bổ người bệnh phù hợp nhất.
Trong khi đó bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết đơn vị là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân chạy thận nhất từ Bệnh viện Trưng Vương và sẽ chia sẻ với những khó khăn mà bệnh nhân đang gặp phải.
Nếu như trước đây khoa thận nhân tạo chỉ chạy mỗi ngày ba ca, khi tiếp nhận bệnh nhân điều chuyển qua bệnh viện sẽ phải triển khai thêm ca thứ tư để đảm bảo chất lượng lọc máu.
"Bệnh viện chúng tôi đã có những cơ chế hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân chạy thận. Đối với những bệnh nhân chuyển từ Trưng Vương đến sẽ được ưu tiên chạy thận những ca sớm hơn.
Bên cạnh đó điều động hai chuyến xe 0 đồng đưa đón bệnh nhân từ nhà đến chạy thận trong ngày. Đặc biệt, tất cả bệnh nhân đều được hưởng chế độ BHYT ngang với mức đã hưởng trước đó" - bác sĩ Khanh chia sẻ.
Ông Tăng Chí Thượng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ rất đồng cảm với khó khăn mà bệnh nhân chạy thận đang phải đối mặt. Tuy vậy trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, ngành y tế mong bệnh nhân cùng chia sẻ khó khăn để sớm vượt qua giai đoạn này.
Về chi phí, theo ông Thượng, ở các bệnh viện công vẫn đảm bảo thanh toán BHYT như cũ, còn tại một số bệnh viện tư, do có các chính sách, dịch vụ riêng nên rất khó để can thiệp.
"Điều lo lắng nhất sau chuyển đổi là bệnh nhân không có chỗ để chạy thận và ưu tiên số 1 là giải quyết vấn đề này. Đến nay nhu cầu này cơ bản đã được giải quyết, còn về chi phí phát sinh chỉ là tạm thời, khi dịch được kiểm soát sẽ sớm ổn định lại như cũ" - ông Thượng nói.
Đảm bảo cấp cứu, theo dõi sức khỏe định kỳ
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố về việc xử lý các tình huống người dân trong khu vực bị phong tỏa có vấn đề về sức khỏe hoặc các bệnh lý mãn tính cần được cấp cứu kịp thời, theo dõi thường xuyên định kỳ.
Theo đó, trường hợp người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh như: khám thai, chạy thận nhân tạo, hóa trị, xạ trị…gọi Trung tâm cấp cứu 115 điều phối xe đủ điều kiện, vận chuyển người cách ly theo quy định đến các bệnh viện.
Chưa chi trả xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo
Xe chuyên chở bệnh nhân chạy thận cách ly trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: KIM TÚ
BS CK2 Từ Kim Thanh, trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết Bệnh viện Lê Văn Thịnh có khu chạy thận nhân tạo riêng dành cho bệnh nhân là F1, F2 nhưng chưa có kết quả xét nghiệm hoặc âm tính lần 1, bệnh nhân ở khu vực bị phong tỏa trên địa bàn TP.HCM. Khu này có 10 máy chạy thận nhân tạo, nếu hoạt động hết công suất sẽ chạy được cho 40 bệnh nhân/ngày.
Theo BS Kim Thanh, khi bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải chuyển đến khu này điều trị thì chi phí điều trị sẽ tăng cao. Đây là một gánh nặng đối với nhiều bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại đây. Trong những ngày qua, không ít bệnh nhân đã không có khả năng chi trả. Các nhân viên y tế đã phải viết đơn gửi ban giám đốc bệnh viện duyệt chi phí cho những bệnh nhân này.
Bác sĩ Kim Thanh phân tích sở dĩ bệnh nhân phải chi trả cao hơn nhiều so với trước đây là do hằng tuần bệnh nhân phải làm xét nghiệm PCR có giá 734.000 đồng và test nhanh mỗi lần đến chạy thận với giá 238.000 đồng.
Những chi phí này đều chưa được BHYT chi trả. Ngoài ra, trong mùa COVID-19, bệnh nhân chỉ sử dụng màng lọc một lần để tránh lây nhiễm bệnh thay vì có thể sử dụng màng lọc này cho 6 lần chạy thận như trước đó. Chi phí một màng lọc là gần 500.000 đồng.
Như vậy, nếu một bệnh nhân được BHYT chi trả 80% sẽ vẫn phải chi trả gần 1,5 triệu đồng cho một lần chạy thận nhân tạo do BHYT không chi trả các chi phí như màng lọc, xét nghiệm PCR COVID-19, test nhanh COVID-19, tiền chênh lệch xét nghiệm thường quy, chênh lệch thuốc. Còn về việc xe bệnh viện đưa rước bệnh nhân, bệnh viện đều hỗ trợ miễn phí.
Với những bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, bệnh viện sẽ cho bệnh nhân sử dụng quỹ màng lọc 0 đồng. Đây là những màng lọc được nhiều nhà hảo tâm đóng góp, mua cho những bệnh nhân chạy thận nhân tạo có hoàn cảnh rất khó khăn.
TTO - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) vừa có khu chạy thận nhân tạo riêng dành cho bệnh nhân khu vực cách ly, phong tỏa và trường hợp F2 nhưng chưa có kết quả xét nghiệm hoặc âm tính lần 1 trên địa bàn toàn TP.HCM.
Xem thêm: mth.40190621280701202-oad-oal-naht-yahc-nahn-hneb-hcid-aum-neiv-neyuhc/nv.ertiout