Bộ Công Thương khẳng định: Lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dồi dào, đủ đáp ứng các mặt hàng thiết yếu để người dân cả nước yên tâm chống dịch.
Không để khan hiếm hàng hóa dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Trao đổi với PV Lao Động, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: Hà Nội và cả nước hiện đang dồn sức hỗ trợ những địa phương vùng dịch, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, sốt giá, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn...
“TPHCM đã chuẩn bị 120.000 tấn hàng thiết yếu/tháng từ chương trình bình ổn thị trường để hỗ trợ người dân yên tâm chống dịch. Trong đó, các cơ quan liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng. Nếu có tình trạng găm hàng, tăng giá hàng hóa thiết yếu bất thường, người dân có thể phản ánh về số điện thoại: 1900888655” – bà Lê Việt Nga cho biết.
Cũng theo bà Lê Việt Nga, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Công văn số 687/TMĐT-TTCNS của Cục Thương mại điện tử về việc tăng cường cung ứng hàng hoá, dịch vụ thiết yếu tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, các sàn thương mại điện tử đã khẩn trương thực hiện chỉ đạo, đến nay đã có Sendo, Lazada, Voso… đồng loạt triển khai và nhận được phản hồi tích cực của người dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự báo năm 2021 tổng sản lượng lúa thu hoạch là 43 triệu tấn; 5,6 triệu tấn thịt, 8,5 triệu tấn thủy sản; hàng tỉ quả trứng; lượng sữa, nguồn rau xanh, trái cây dồi dào, đủ để phục vụ người dân yên tâm chống dịch.
Tạo luồng ưu tiên cho xe cung ứng hàng hóa thiết yếu
Theo Bộ Công Thương, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để phục vụ Chương trình Bình ổn thị trường, cung ứng hàng hóa cho TPHCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sở công thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, sở công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các đơn vị vận tải chuyên nghiệp, đặc thù (như Viettel Post, VN Post…) triển khai và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu cung ứng cho địa bàn của TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối truyền thống và hiện đại khẩn trương, chủ động liên hệ với Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch COVID-19.
Bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu đông dân cư để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân; có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa do có ca mắc COVID-19 để kịp thời phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.
UBND các tỉnh, thành phố, các sở công thương, các doanh nghiệp... phối hợp với Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp; dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch COVID-19...
Hotline Tiki: 19006035, Hotline Lazada: 19001007, Sendo: 19006000, Shopee: 19001221, website khiếu nại của Cục Thương mại điện tử: online.gov.vn; số hotline: 024 22205 512.