Nhiều địa phương cùng áp dụng Chỉ thị 16
Thông tin tình hình Covid-19, hôm nay là ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM. Một số địa phương khác cũng áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh hoặc một phần.
Sáng 9.7, ngoài 12 chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại khu vực cửa ngõ để kiểm soát người dân ra vào TP.HCM, nhiều chốt khác trong khắp TP được các lực lượng CSGT, công an các quận, huyện, công an phường, dân quân tự vệ, cán bộ y tế, kiểm soát quân sự... cũng được lập để kiểm soát người dân TP.HCM ra đường không lý do chính đáng.
Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết người dân chỉ được ra đường để giải quyết các nhu cầu thiết yếu; nếu không trả lời được mục đích chính đáng của việc di chuyển thì không được phép. Trung tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT TP.HCM, cho hay, lực lượng công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sẽ kiểm tra, xử phạt các trường hợp ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Chiều 9.7: Thêm 5 ca Covid-19 tử vong, một bệnh nhân không có bệnh nền |
Nằm kế cận TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cũng đã công bố quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn tỉnh từ 0 giờ ngày 9.7, trong 15 ngày. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết từ làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 đến nay, Đồng Nai có hơn 110 ca nhiễm Covid-19 từ cộng đồng, hầu hết liên quan đến các ổ dịch từ TP.HCM và Bình Dương.
Cùng thời điểm, Khánh Hòa triển khai Chỉ thị 16 tại TP.Nha Trang, TX.Ninh Hòa và H.Vạn Ninh. Sáng ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị, đã có nhiều trường hợp vi phạm, phổ biến như: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (mức phạt từ 10 - 30 triệu đồng); không đeo khẩu trang (mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng).
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi người dân phải tự giác tự giãn cách từ trong chính gia đình mình, giãn cách trong cộng đồng. Tốc độ sinh hoạt của cả cộng đồng sẽ giảm hẳn, số lượng bệnh nhân mới từ đó giảm theo, năng lực kiểm soát của chính quyền cũng dần mạnh lên, có đủ sức lo cho dân nhiều, chu đáo hơn. Ngành y tế vì thế cũng thoát khỏi nguy cơ vỡ trận. |
Vô tư họp chợ tự phát bất chấp Chỉ thị 16, như chưa từng có Covid-19 |
Nguồn vắc xin tiếp tục được bổ sung
Sáng 9.7, chuyến bay chở lô vắc xin Covid-19 AstraZeneca khoảng 600.000 liều của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam đợt 2 đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Cùng với 400.000 liều được chuyển về hôm 2.7, như vậy, toàn bộ 1 triệu liều vắc xin Covid-19 của Nhật Bản tài trợ đã về Việt Nam phục vụ chiến lược tiêm chủng vắc xin của Chính phủ.
Cũng trong sáng 9.7, 580.000 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca được đưa đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là lần giao vắc xin thứ 3 trong hợp đồng của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC) đặt mua trước 30 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford. Thỏa thuận mua 30 triệu liều này được ký kết vào tháng 11.2020 giữa AstraZeneca Việt Nam, Bộ Y tế và VNVC, đến nay đã nhận gần 1 triệu liều.
Như vậy, tính đến nay, đã có hơn 5,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước, Cơ chế COVAX, và viện trợ song phương giữa chính phủ các nước, trong đó có gần 1 triệu liều từ hợp đồng của VNVC và AstraZeneca, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Ngoài vắc xin AstraZeneca, trước đó, ngày 7.7, hơn 97.000 liều vắc xin Pfizer cũng về đến sân bay Nội Bài. Dự kiến vài ngày tới sẽ có 2 triệu liều vắc xin Moderna cũng sẽ đến Việt Nam.
Cục quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (TP.HCM), đồng ý để đơn vị này nhập khẩu vắc xin tại đơn hàng số 272 ngày 1.7. Theo đó, tên vắc xin là Covid-19 Vaccine (Vero Cell) Inactivated (tên khác là SARS-COV-2 Vaccine (Vero Cell) Inactivated; số lượng 5 triệu liều do Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd - Trung Quốc sản xuất. Vắc xin này còn được gọi là vắc xin Vero-Cell của Sinopharm.
2 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm chủng: Lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế. 4 nhóm tỉnh, thành phố ưu tiên: Tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên đối tượng ở vùng đang có dịch; Tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ; Tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; Tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế. |
Ca nhiễm vẫn tăng, nhiều tỉnh thành ráo riết chống dịch
Một số thông tin đáng chú ý khác: UBND TP.HCM hôm nay giao Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family mart, Aeon, Vissan…) tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn phục vụ người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Đắk Lắk ban hành văn bản khẩn, yêu cầu các cơ sở y tế chưa được Sở này cấp phép ngừng ngay việc cung cấp dịch vụ test nhanh kháng nguyên Covid-19. Tỉnh Quảng Trị có văn bản hỏa tốc truy vết một xe khách tuyến TP.HCM - Quảng Trị, trả khách ở nhiều địa điểm chưa xác định được.
Tỉnh Tây Ninh tạm dừng hoạt động kinh doanh xổ số (vé số kiến thiết truyền thống và vé số tự chọn) trong vòng 15 ngày để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tỉnh Lào Cai cho phép tổ chức đám hỏi nhưng không được quá 30 người, hạn chế tối đa khách ngoài tỉnh và không mời khách từ các vùng đang có dịch Covid-19.
Tình hình Covid-19 đến trưa hôm nay, cả nước có 609 ca mắc mới, trong đó, 6 ca nhập cảnh cách ly ngay tại Hà Tĩnh 3 ca, Quảng Nam 2 ca và Kiên Giang 1 ca. 603 ca mắc do lây nhiễm trong nước, ghi nhận nhiều nhất tại TP.HCM 479 ca; Bình Dương 66 ca; Đồng Nai 17 ca; Bắc Giang 9 ca; Trà Vinh 8 ca; Bắc Ninh và Quảng Ngãi mỗi tỉnh 7 ca; Bà Rịa - Vũng Tàu 4 ca; Hà Nội 2 ca; Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Lâm Đồng và Thanh Hóa mỗi tỉnh 1 ca. Trong 479 bệnh nhân ở TP.HCM, có tới 107 ca chưa rõ nguồn lây, còn lại 372 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa.