Đã có rất nhiều tranh cãi chung quanh deal đầu tư của Namaste trong tập 10 chương trình Shark Tank 2021.
Đó là việc founder Lê Duy Quang định giá tới hơn 300 tỷ cho mô hình kinh doanh seawalker – Namaste, khi ra giá 1 triệu USD cho 7% cổ phần. Đây là mức định giá một startup cao nhất nhì trong lịch sử 4 mùa Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, các Shark đã không đồng ý với giá mà founder đưa ra và giảm giá xuống còn hơn 1/2.
Đó là những ‘đòn đánh’ phủ đầu của Shark Hưng với những câu hỏi dồn dập xoáy sâu vào các yếu điểm của seawalker – Namaste; khiến founder Lê Duy Quang không biết trả lời như thế nào vì cảm thấy vô cùng hoang mang bối rối.
Đó là cuộc ngã giá vô cùng căng thẳng với nhiều điều kiện phức tạp giữa founder Lê Duy Quang và 2 Shark Bình – Hưng. Sau đó, Shark Hưng bỏ cuộc và chỉ còn Shark Bình. Cuối cùng, Lê Duy Quang đề nghị 1 triệu USD cho 15% cổ phần, loại bỏ tất cả các điều kiện khác; nhưng Shark Bình đề nghị ít nhất 18%. Hai bên không thể tìm được con số chung và deal đổ bể.
Đó là không biết cuối cùng anh Lê Duy Quang đi kêu gọi vốn cho mô hình seawalker hay cho Namaste với cả 3 mô hình mà mình đang có?
Thế nên, sau khi xem xong tập 10, không ít khán giả và giới khởi nghiệp cho rằng, founder này đang ‘ngáo giá’.
Tuy thế, sau chương trình, founder Lê Duy Quang bày tỏ ‘tôi vẫn không hối hận vì đã từ chối đề nghị cuối của Shark Bình, bởi với những gì đã bỏ ra, tôi và Namaste xứng đáng nhân 3 tài sản của mình’. CEO TV HUB Lê Hạnh – nhà sản xuất Shark Tank 2021 vừa tiết lộ là Namaste đã nhận được 2 lời đề nghị 1 triệu USD cho 15%, song không biết founder có gật đầu đồng ý?
Vì founder và các Shark không đồng thuận nhau về cách định giá mô hình seawalker - Namaste nên deal đã bị đổ bể.
Nhằm hỗ trợ độc giả có thêm tư liệu để rút ra kết luận của mình, chúng ta tôi xin đăng tải dưới đây phân tích – ý kiến của Tiến sĩ Ngô Công Trường – Nhà sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty Tư vấn và Giáo dục John & Partners.
--------
Với Việt Nam, khi nói đến các môn thể thao sâu dưới nước, người ta nghĩ ngay đến môn lặn. Môn lặn có nhiều thể loại, trong đó có 3 loại chính: snorkeling – lặn với ống thở; diving – lặn với bình dưỡng khí và có thợ lặn đi kèm; seawalker – đi bộ và chân chạm dưới đáy biển.
Tại Việt Nam, snorkeling được biết đến nhiều nhất và hầu như vùng biển du lịch nào cũng có dịch vụ này; seawalker kém phổ biến hơn, song cũng có nhiều người làm rồi. Tất nhiên, thêm người làm nữa cũng rất tốt, vì nó sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, giúp thị trường đa dạng hơn.
Trên thế giới, mô hình kinh doanh seawalker không mới, chỉ Việt Nam mình mới mới thôi. Tại Việt Nam, dịch vụ này đã có ở Nha Trang và Phú Quốc. Còn trên thế giới, nó đã rất phổ biến tại Úc, Maldives, Hawaii – Mỹ.
Bên cạnh đó, rào cản của mô hình này tại Việt Nam khá cao – nhất là về giá. Tại nước ngoài, bỏ ra 50 USD để trải nghiệm dịch vụ này không phải là vấn đề, còn ở Việt nam bỏ ra 950.000 ngàn/người – tương đương 50 USD là cả một vấn đề, vì với số tiền đó du khách có nhiều sự lựa chọn thay thế hấp dẫn tương đương.
Ngoài ra, trong mắt tôi, Mamaste còn có 3 điểm bất lợi khác.
Đầu tiên, bản thân Mamaste có nhiều mô hình kinh doanh khác nhau – seawalker chỉ là một trong số đó, nên các Shark đã phải phân tích rất kỹ. Ngoài seawalker, Namaste còn có mô hình nuôi trồng san hô và du thuyền; đây là 3 ‘bài tập’ hoàn toàn khác nhau cho 1 doanh nghiệp.
3 mô hình du thuyền – san hô – seawalker là hoàn toàn khác nhau, nếu gom vào trong 1 doanh nghiệp, sẽ khiến việc quản lý có độ diversify – đa dạng và complication – phức tạp nhất định. Điều này đòi hỏi năng lực quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp phải cao hơn mức trung bình thị trường.
Có thể nói, việc kinh doanh du thuyền không hề dễ và nó không có ‘bà con’ gì với việc nuôi trồng san hộ hay đi bộ lặn ngắm dưới đáy biển.
Du thuyền là 1 trong 3 mảng kinh doanh của Namaste.
Thứ hai, bây giờ Namaste mới chỉ có tờ giấy về ‘xác nhận đầu tư’, còn lâu tờ giấy đó mới trở thành hiện thực và thậm chí có khi không trở thành hiện thực. Tại Việt Nam, không hiếm dự án ban đầu rất suôn sẻ, song gần cuối cùng nó thất bại là vô cùng bình thường. Shark Hưng là một người đã có nhiều kinh nghiệm trong câu chuyện này!
Thứ ba, Namaste đang gặp một số bất lợi khi đi gọi vốn thời điểm này. Đang trong mùa Covid-19 nên ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, 20 tỷ/90 tỷ vốn của startup là đi vay, nên nếu các Shark vào thì sẽ phải gánh nợ giúp founder.
Tuy nhiên, founder Lê Duy Quang và Namaste cũng có những lợi thế không thể chối cãi.
Founder Lê Duy Quang đã có 70 tỷ để đầu tư và anh là người có uy tín đủ để người khác tín nhiệm cho vay thêm 20 tỷ nữa. Hơn nữa, anh cũng đã startup nhiều lần và là một người rất có bản lĩnh trong cộng đồng doanh nghiệp, cũng như có đủ khả năng để chất vấn lại Shark Hưng và Shark Bình.
Vậy CEO Namaste ra giá 1 triệu USD cho 7% cổ phần mô hình seawalker, là có ‘ngáo giá’ hay không?
Tôi muốn chia sẻ một cái Benchmarking về dịch vụ đang có doanh thu tốt là seawalker của Namaste với mô hình tương tự ở Úc – một công ty nổi tiếng và kinh doanh lâu đời với 10 năm kinh nghiệm. Doanh thu mỗi năm của họ khoảng 5 triệu USD với giá vé 100 đô đến 200 đô Úc. Công ty này có khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới, doanh thu trung bình quy ra tiền Việt khoảng đâu đó trên dưới 100 tỷ đồng.
Quay về lại Namaste, Shark Bình cho rằng, định giá startup này khoảng 13 đến 14 lần. Doanh thu 100 tỷ, lợi nhuận khoảng 10 tỷ; mà định giá 14 lần thì khoảng 140 tỷ. Nên câu trả lời CEO Namaste có ‘ngáo giá’ hay không, đến đây hẳn mọi người đã trả lời được.
Nên có thể nói, việc định giá ban đầu của CEO Namaste quá cao, còn Shark Hưng và Shark Bình trả giá và đề xuất đầu tư khá hợp lý.
Tiến sĩ Ngô Công Trường – Nhà sáng lập và Giám đốc chuyên môn Công ty Tư vấn và Giáo dục John & Partners.
Ở khía cạnh khác, tôi muốn bàn một chút về việc bảo vệ - thân thiện với môi trường trong ngành du lịch.
Khi đi qua bên Maldives, nhiều công ty du lịch vẫn chở chúng ta tới những khu vực biển có nhiều san hô và cho phép mình lặn ngắm, nhưng mình không được dùng chân hoặc dùng tay tiếp xúc với san hô. Ngoài ra, họ nghiêm cấm mình đạp lên san hô. Chỉ ở những vùng nước biển cạn mà đứng phía trên mặt biển chúng ta có thể chạm tới san hô và san hô đã chết – khi san hô chết thì như những cục đá, chúng ta có thể đứng lên.
Còn những vùng san hô sống - ở dưới biển sâu thì chúng ta chỉ được ngắm từ xa và không được đụng vào. Những con nhím biển còn sống dưới biển, chúng ta cũng chỉ được ngắm, không được chạm vào chúng.
Như vậy, khi đi tham quan du lịch ở ‘thiên đường biển’ ở các nước phát triển, chúng ta phải bảo vệ môi trường, không được sờ chạm vào ‘hiện vật’. Vậy nên, việc có bảo vệ - thân thiện môi trường hay không trong ngành du lịch, phụ thuộc vào ý thức, hành vi của mỗi du khách và cách làm du lịch của mỗi doanh nghiệp.
Ví dụ: khi Namaste trồng một vườn san hô dưới biển, startup này đưa ra quy định là khi ngắm san hô thì khách phải đứng ‘cách ly’ ra, sau đó hướng dẫn – luyện tập cho người tham gia thực hiện việc đó như thế nào.
Chứ không phải kiểu: khi chúng ta thấy một cây san hô, cảm thấy thích quá nên lấy tay ngắt 1 cành. Nói hơi quá, chứ thật ra một cây san hô hoặc một cột thạch nhũ cần cả triệu năm để hình thành và phát triển. Trong khi nếu mình ngắt 1 nhánh san hô, tức mình đã dùng 1 giây để ‘xóa bỏ’ thành quả của 1 triệu năm. Đó là cách thức về khai thác.
Còn mô hình kinh doanh seawalker hoặc tương tự như thế, không phải không có yếu tố phá hoại môi trường; việc thân thiện với môi trường hay không phải nhìn vào hành vi của khách tham quan và nhà tổ chức.
Tiến sỹ Ngô Công Trường
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị