Theo thông tin được Tổng cục Thuế công bố mới đây, thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt mức khá, chủ yếu là do đà tăng trưởng kinh tế từ cuối năm 2020 và tăng thu từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ của năm 2020. Trong đó một số ngành đạt mức tăng trưởng cao, nóng như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... góp phần quan trọng vào số thu trong 6 tháng đầu năm.
Cụ thể, khối các ngân hàng thương mại có số thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/2020 và nộp sau quyết toán tăng đến 72,9% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ, ước đạt 8.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2021, sau đợt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020, hoạt động hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ, tương đương với tăng khoảng 3.500 tỉ đồng.
Đáng chú ý, thu từ hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 2.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trong tháng 01/2021), khiến cho số thu ngân sách từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tăng thu 47,1% so với cùng kỳ.
Đồng thời, thống kê theo từng sắc thu cũng cho thấy, các sắc thuế chính đều đạt và vượt tiến độ thu so với dự toán, tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 137.069 tỷ đồng, bằng 61,2% dự toán và bằng 129,1% so với cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt ước đạt 58.879 tỷ đồng, bằng 61% dự toán và bằng 138,6% cùng kỳ. Thuế giá trị gia tăng ước đạt 121.910 tỷ đồng, tương đương 51,4% dự toán, bằng 119,5% so với cùng kỳ...
Đáng nói, bất chấp những ảnh hưởng của Covid-19, thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) ước đạt 73.027 tỉ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Tổng cục Thuế lý giải: "Mặc dù thực hiện Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2.6.2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 làm giảm thu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công (chỉ đạt khoảng 97% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán, bất động sản sôi động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 đã góp phần tăng thu thuế TNCN từ chuyển nhượng chứng khoán (gấp 2,91 lần), từ đầu tư vốn của cá nhân (tăng 78,2%) và từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 68,8%), góp phần làm số thu thuế TNCN đạt tiến độ thu cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2021".
Với 73.207 tỉ đồng, thuế TNCN đang trở thành sắc thuế chính đóng góp vào ngân sách. Đây cũng là con số cao nhất hiện nay kể từ khi luật Thuế TNCN đi vào thực thi (tăng dần qua từng năm, 6 tháng năm 2020 cao nhất chỉ đạt hơn 63.700 tỉ đồng).
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm còn đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Do đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách cụ thể theo từng địa bàn, khu vực, sắc thuế, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu, kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả...
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện công tác thanh, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; phân tích dữ liệu, rà soát, ưu tiên triển khai những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet.
Hoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị