Theo trang web của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), lô 2.000.040 liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX ngày 10-7 đã về đến Việt Nam.
Lô vaccine này nằm trong số 80 triệu liều vaccine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 5 cam kết cung ứng cho các nước từ nguồn vaccine trong nước, trong đó khoảng 41 triệu liều sẽ được phân phối thông qua Cơ chế COVAX nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu.
Lô 2 triệu liều vaccine Mỹ tặng đã về đến Việt Nam. Ảnh: UNICEF
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận vaccine hôm 10-7, ông Christopher Klein - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam - chia sẻ: “Lô vaccine này mang đến cho chúng ta hy vọng về một hồi kết cho cuộc chiến chống COVID-19. Nó mang đến cho chúng ta hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường”.
Ông Kamal Malhotra - điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam cho biết: “LHQ hoan nghênh lô vaccine COVID-19 đầu tiên do Chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine COVAX đã đến Việt Nam”.
“Để thoát khỏi đại dịch, con đường rõ ràng nhất là đảm bảo tiếp cận tiêm chủng công bằng cho đội ngũ nhân viên y tế và các nhóm ưu tiên như người cao tuổi và người có bệnh lý nền ở mọi quốc gia” – ông Malhotra nói.
“Hỗ trợ vaccine là biện pháp tức thì và cấp thiết giúp giải quyết vấn đề này. Chúng tôi tiếp tục kêu gọi những quốc gia có nguồn vaccine dồi dào hỗ trợ ngay hôm nay để có thể bảo vệ những đối tượng có nguy cơ cao nhất càng sớm càng tốt” – ông Malhotra nói thêm.
Mỹ cam kết hợp tác với các đối tác trên toàn cầu trong nỗ lực chấm dứt những tác động của đại dịch đối với sức khỏe người dân và nền kinh tế.
Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), Washington đã đóng góp 2 tỉ USD cho Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ mua sắm và vận chuyển vaccine COVID-19 đến 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Dự kiến tài trợ thêm 2 tỉ USD đến năm 2022, Mỹ sẽ trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Cơ chế COVAX. Đóng góp cho Cơ chế COVAX là hỗ trợ đảm bảo tiếp cận vaccine COVID-19 cho những nhóm dân số có nguy cơ cao và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, bao gồm đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu.
Tại Việt Nam, bên cạnh quyên góp vaccine, Mỹ đã hỗ trợ hơn 17,7 triệu USD cho hoạt động phòng, chống dịch từ những ngày đầu.
Ngoài lô vaccine hôm 10-7, Việt Nam trước đó đã tiếp nhận 2.493.200 liều vaccine của hãng AstraZeneca thông qua Cơ chế COVAX.
Kể từ khi lô vaccine đầu tiên đến Việt Nam hồi đầu tháng 4 thông qua Cơ chế COVAX, Việt Nam đến nay đã tiêm gần 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022.
Việt Nam tiếp tục tiếp nhận nguồn vaccine thông qua Cơ chế COVAX là một tín hiệu đáng khích lệ, song việc tiêm phòng cho tất cả các nhóm ưu tiên sẽ cần nhiều thời gian. Do đó, để giảm lây lan dịch bệnh, người dẫn cần tiếp tục thực hiện 5K: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tụ tập và Khai báo y tế.
Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Toàn cầu về vaccine và Tiêm chủng (GAVI) đồng khởi xướng với UNICEF là đối tác triển khai chính.