Tờ South China Morning Post đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9-7 đã liệt thêm 23 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, trong đó cáo buộc 14 công ty có liên quan vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, năm công ty có quan hệ với quân đội Trung Quốc và bốn công ty khác có mối quan hệ làm ăn với các công ty đã bị Mỹ trừng phạt trước đó.
Đây là động thái mới nhất của Washington nhắm vào Bắc Kinh liên quan tình hình nhân quyền ở Tân Cương và hoạt động xây dựng quân đội của Trung Quốc, được coi là mối đe dọa đối với sự ổn định toàn cầu của Mỹ.
Mỹ liệt thêm 23 công ty Trung Quốc vào 'danh sách đen' . Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 9-7 cho biết: “Bộ Thương mại vẫn cam kết kiên quyết thực hiện hành động mạnh mẽ, dứt khoát nhằm vào các thực thể liên quan tình hình nhân quyền ở Tân Cương hoặc sử dụng công nghệ của Mỹ để thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân đội đang gây mất ổn định của Trung Quốc”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mạnh mẽ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để buộc các chính phủ, công ty và cá nhân phải chịu trách nhiệm” – bà Raimondo cho biết.
Các công ty Trung Quốc bị cáo buộc liên quan vấn đề nhân quyền ở Tân Cương bao gồm Công ty Công nghệ Thông tin Tân Cương Beidou Tongchuang; Học viện Điện tử và CNTT Trung Quốc; Công ty Suzhou Keda Technology; Công ty CNTT Xinjiang Lianhai Chuangzhi; Công ty CNTT Shenzhen Cobber; Công ty CNTT Xinjiang Sailing; Công ty CNTT Beijing Geling Shentong; Công ty Công nghệ Shenzhen Hua’antai Intelligent; và Công ty Chengdu Xiwu Security System Alliance.
Mỹ thêm các thực thể trên vào "Danh sách thực thể" (Entity List) của Bộ Thương mại, theo đó sẽ cấm các doanh nghiệp Mỹ bán hàng hóa và thiết bị cho các thực thể này.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các thực thể "có liên quan hành vi vi phạm nhân quyền và lạm dụng trong việc thực hiện chiến dịch áp bức, giam giữ hàng loạt và giám sát công nghệ cao của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các thành viên khác của các nhóm thiểu số Hồi giáo" ở Tân Cương.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm công ty Trung Quốc khác cũng bị thêm vào Danh sách Thực thể với cáo buộc có liên kết với quân đội Trung Quốc, trong đó có Công ty Vi điện tử Hangzhou Hualan và Công ty Công nghệ Kyland.
Các công ty trên được cho là đang hỗ trợ “các chương trình hiện đại hóa quân sự liên quan laser và các chương trình Trang bị chỉ huy và điều hành tác chiến tự động hóa (C4ISR)” của Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Biden ngày 3-6 đã ký một sắc lệnh hành pháp đưa tổng cộng 59 công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt, theo đó cấm các thực thể này nhận các nguồn đầu tư từ Mỹ.
Theo sắc lệnh hành pháp mới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ thực thi và cập nhật "trên cơ sở luân phiên" danh sách cấm mới đối với 59 công ty Trung Quốc, theo đó cấm các hoạt động giao dịch chứng khoán công khai liên quan các thực thể trên.
Lệnh cấm này sẽ ngăn cản nguồn đầu tư của Mỹ vào khu phức hợp công nghiệp-quân sự của Trung Quốc cũng như các chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự của nước này.
Động thái trên là một phần trong chuỗi các bước đi mở rộng hơn của ông Biden nhằm đối phó Trung Quốc, bao gồm củng cố các liên minh của Mỹ và thúc đẩy các khoản đầu tư lớn trong nước nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng trở nên cạnh tranh.