Theo tờ Chanel News Asia (CNA), trong khi Mỹ và Châu Âu liên tục đối chọi gay gắt suốt 17 năm qua trong ngành sản xuất máy bay, qua đó tạo nên cuộc cạnh tranh giữa Boeing và Airbus thì Trung Quốc lại đang âm thầm phát triển dòng máy bay thương mại của chính họ.
Tờ Financial Times (FT) thì cho biết sau hơn 10 năm phát triển với hàng chục tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ, chiếc máy bay thương mại đầu tiên của Trung Quốc là C919 phát triển bởi Comac sắp được cấp phép để đưa vào hoạt động, qua đó chính thức tham gia cuộc đua với những ông lớn từ Phương Tây.
Sự xuất hiện của dòng máy bay C919 được cho là sẽ thách thức những ông lớn như Airbus của Châu Âu hay Boeing của Mỹ. Hãng phát triển dòng máy bay này là Comac cũng được hậu thuẫn rất lớn từ chính phủ với nguồn tài chính dồi dào.
Số lượng máy bay thương mại của Trung Quốc sẽ chiếm 1/5 thế giới vào năm 2030?
Nhận thức được mối nguy từ Trung Quốc, cả Mỹ và Châu Âu đã ngồi vào bàn đàm phán để ký một thỏa thuận giữa 2 bên có hiệu lực trong vòng 5 năm nhằm "đình chiến". Thậm chí Tổng thống Mỹ Joe Biden còn ra tuyên bố rõ ràng trong chuyến thăm Châu Âu rằng họ phải hợp tác cùng nhau để chống đối thủ tiềm tàng mới đến từ Trung Quốc.
Trong suốt 4 năm qua, tập đoàn Comac được hậu thuẫn từ chính phủ và vốn tách ra từ ngành hàng không quân sự năm 2008 đã thực hiện vô số nghiên cứu cũng như chuyến bay thử nghiệm cho dòng C919, sản phẩm được cho là đối thủ của A320 (Airbus) và B737 (Boeing).
Theo CNA, tập đoàn hàng không này đã nhận khoảng 49-72 tỷ USD tiền hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc cho nghiên cứu máy bay thương mại, cao hơn số tiền mà Airbus hay Boeing nhận được.
"Vấn đề ở đây là Trung Quốc đã hưởng lợi khi Airbus và Boeing cạnh tranh lẫn nhau. Họ thu thập kỹ thuật thông qua việc đặt hàng những máy bay của các ông lớn khi họ đang tranh giành khách hàng", Chuyên gia Richard Aboulafia của hãng phân tích Teal Group nhận định.
Với tình hình khống chế dịch tốt, ngành hàng không Trung Quốc được cho là đang hồi phục mạnh mẽ nhất thế giới và trong khi các hãng hàng không coi quốc gia này là thị trường béo bở thì chẳng mấy ai chú ý đến khả năng phát triển máy bay và trở thành ông lớn thứ 3 trong cuộc chơi.
Hãng Boeing ước tính thị trường Trung Quốc sẽ cần khoảng 9.360 máy bay trong vòng 20 năm tới, qua đó chiếm gần 1/5 tổng số máy bay trên toàn cầu. Thế nhưng sự trỗi dậy của C919 cũng như khả năng sản xuất máy bay thương mại của Trung Quốc thì chẳng mấy khi được nhắc tới.
Thế lực thứ 3
"Ngành hàng không là công cụ để gia tăng vị thế trên chiến trường ngoại giao. Trung Quốc có kỹ thuật và trình độ công nghiệp đủ để sản xuất máy bay là điều không cần nghi ngờ gì nữa...Họ không còn muốn phải dựa vào Airbus hay Boeing cho đến tận năm 2025 nữa", chuyên gia Michel Merluzeau của hãng phân tích AIR nhận định.
Điều trớ trêu là chính Mỹ và Châu Âu lại là những người giúp xây dựng nên C919. Chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tại Washington cho biết chỉ có 14/82 nhà cung ứng cho dòng máy bay này là của Trung Quốc, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp Phương Tây.
Dù có trình độ nhưng Trung Quốc mới chỉ đủ tự tin sản xuất được cánh và thân máy bay, trong khi động cơ hay các thiết bị điện tử vẫn phải đặt hàng nhập khẩu từ Phương Tây.
Theo đánh giá của các chuyên gia, C919 vẫn nặng hơn các dòng máy bay của Airbus hay Boeing, khiến chúng tốn nhiều nhiên liệu hơn cũng như có chi phí vận hành cao hơn. Tuy nhiên, sự hậu thuẫn từ chính phủ có thể khiến chính quyền Bắc Kinh "khuyến nghị" các hãng hàng không mua chúng cho đội bay của mình.
Máy bay C919 là hàng "Made in China" nhưng lại nhập khẩu khá nhiều bộ phận từ nước ngoài
Dù được cho là sẽ được cấp phép vào cuối năm nay nhưng phía Comac tuyên bố họ đã nhận được gần 1.000 đơn hàng, chủ yếu từ các hãng hàng không nội địa. Đợt giao hàng đầu tiên cho hãng hàng không China Eastern Airlines sẽ diễn ra vào cuối năm nay ngay sau khi C919 được cấp phép.
Nhận thức được vấn đề, CEO Guillaume Faury của Airbus phải công nhận Comac sẽ trở thành một người chơi đáng gờm trong ngành hàng không.
"Chúng ta sẽ chứng kiến một trận chiến tay đôi trở thành cuộc đấu tay ba vào cuối thập niên này cho mảng máy bay thương mại", CEO Faury cảnh báo.
Thách thức
Dẫu vậy, công cuộc đi đến đường băng của C919 vẫn còn rất dài. Tờ FT nhận định chiến tranh thương mại đang khiến nhiều nhà cung ứng khó duy trì các đơn hàng với Comac và đây là yếu điểm chết người bởi C919 phải nhập khẩu phần lớn bộ phận từ nước ngoài. Rất nhiều hãng liên quan đến Comac ở Trung Quốc nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ vào tháng tới.
Hệ quả là ngay cả khi C919 được cấp phép bay, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ khả năng cung ứng ổn định của Comac cho các hợp đồng cũng như chính sách hỗ trợ sau khi giao hàng.
"Thành công của ngành hàng không đâu chỉ do thiết kế, sản xuất, chứng nhận hay việc giao hàng vài chiếc máy bay. Nó còn phụ thuộc vào khả năng hỗ trợ, hậu mãi 24/7 cho toàn bộ những chiếc máy bay trong suốt vòng đời nữa đấy", chuyên gia tư vấn Rob Morris của hãng Ascend by Cirium nhấn mạnh.
Thậm chí, chuyên gia Robert Thomson của hãng Roland Berger còn nghi ngờ khả năng gia tăng sản lượng sản xuất máy bay của Comac trong bối cảnh họ vẫn bị phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.
Số hành khách đi máy bay tại Trung Quốc sẽ tăng gần gấp 3 lần trong hơn 20 năm tới (Dự báo tăng trưởng hành khách thường niên giai đoạn 2019-2030)
"Airbus phải mất hơn 10 năm và huy động mọi nguồn lực họ có mới có thể sản xuất 30 chiếc máy bay A320 mỗi tháng...Bạn sẽ cần một bản thiết kế ổn định cũng như một chuỗi cung ứng đủ lớn để sản xuất vô vàn những bộ phận của một chiếc máy bay", chuyên gia Thomson nhận định.
Ngoài ra, ngay cả khi được Trung Quốc thông qua thì Comac vẫn sẽ gặp vấn đề với Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) và Hội đồng an toàn hàng không Châu Âu (ASA) cho việc cấp phép sử dụng khi thực hiện các chuyến bay quốc tế.
Tuy vậy, tờ FT cho rằng trong vòng 20 năm tới, Comac vẫn có thể sống tốt chỉ với thị trường Trung Quốc khi quốc gia này đang là chiến trường chính của cả Airbus lẫn Boeing.
Huyền Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị