Ngày 10-7, Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19; triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng đã tác động lớn đến nền kinh tế và hoạt động ngân hàng.
Tại Vietcombank, tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất 6 tháng đầu năm là 2.115 tỉ đồng.
Thực tế, doanh nghiệp đã, đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không nhỏ do sức chống chịu không còn. Nhà nước rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, ngành ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua.
Đến thời điểm này, Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú nhận định, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại đề xuất tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất - kinh doanh; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng.
Theo Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp qua các giải pháp trên tinh thần hỗ trợ tích cực, thực chất. Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm an toàn, duy trì năng lực tài chính cho bản thân ngân hàng, hệ thống và cho toàn bộ nền tài chính quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành các yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể để toàn ngành triển khai thực hiện; đồng thời, giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7-2021 này.
Vietcombank cho biết đã triển khai các gói hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho vay, tái cơ cấu dư nợ hiện hữu theo Thông tư 01 và Thông tư 03 cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình với tổng dư nợ hỗ trợ giảm lãi suất cho vay khoảng 398.223 tỉ đồng. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng do giảm lãi suất 6 tháng đầu năm là 2.115 tỉ đồng.
Theo ghi nhận, hiện một số ngân hàng thương mại cũng triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19. Agribank vừa triển khai gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng với lãi suất từ 6,5%-7%/năm.
Khách hàng cá nhân ở khu vực đô thị có nhu cầu mua sắm, sinh hoạt sẽ được vay vốn đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh Covid-19, đồng thời nhằm hạn chế nạn tín dụng đen.