Kết luận hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến phát biểu, các tham luận thể hiện sự hiểu biết sâu sắc đối với vùng Đông Nam Bộ - vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện các văn bản, tiếp tục triển khai tốt Chương trình hành động đề ra thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị.
Tự lực tự cường nhưng chủ động hội nhập
Theo quan điểm của Thủ tướng, phát triển cần hài hòa, bao trùm tổng thể và bền vững. Để làm được những điều này, Thủ tướng đã đi sâu phân tích ba ý trong chính tên của hội nghị. Đó là “Tư duy mới - đột phá mới - giá trị mới”.
Theo đó, tư duy mới là phải tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay khối óc, chân trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỉ lại, dựa vào nội lực, cơ bản là chiến lược lâu dài. Trong đó nội lực là thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử - văn hóa, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh:MT |
Để từ đó có những sản phẩm không phải Made in Việt Nam mà là By Việt Nam. Có nghĩa sản phẩm từ trí tuệ, năng lực, bản lĩnh từ con người Việt Nam. Nội lực phải kết hợp với ngoại lực là công nghệ, vốn, quản lý, góp phần xây dựng thể chế và đào tạo nguồn nhân lực.
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu tham quan gian hàng của doanh nghiệp Bình Dương. Ảnh:TK |
Phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ nhưng tích cực chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện một cách thực chất và hiệu quả; kết hợp sức mạnh của doanh nghiệp trong nước với sức mạnh ngoài nước; tự lực tự cường nhưng phải tranh thủ hội nhập cùng bạn bè quốc tế.
Tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể thì mọi chính sách phải hướng đến người dân và người dân tham gia xây dựng chính sách một cách dân chủ, công bằng.
Cơ chế, chính sách là nguồn lực
Đột phá mới là phải có cơ chế chính sách, đột phá. Cơ chế, chính sách chính là nguồn lực nhưng phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát thực tiễn.
“Tôi rất tán thành với một số ý kiến doanh nghiệp phát biểu là cơ chế, chính sách phải ổn định. Cơ chế chính sách ngày hôm nay khác, hôm sau khác, luật lệ lại thay đổi người ta lại rối lên không làm được. Có thay đổi phải có điều khoản chuyển tiếp. Vừa qua khi chúng ta xây dựng luật lệ có một số cái thay đổi không có điều khoản chuyển tiếp thì không làm được. Một số dự án nếu không có điều khoản chuyển tiếp thì không làm được…”- Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn phân tích.
Thủ tướng cùng các đại biểu nghe thuyết trình về sản phẩm của một doanh nghiệp. Ảnh:TK |
Thủ tướng cũng gợi ý ba mô hình hợp tác công tư. Một là cơ chế lãnh đạo công và quản trị tư cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Có nghĩa là xây dựng cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng còn quản trị tư là phải giao cho tư nhân quản trị.
Thứ hai là đầu tư công nhưng quản lý tư như các công trình công viên, bệnh viện, sân vận động. Cụ thể có thể là đầu tư công nhưng đấu thầu để quản trị tư làm. Thứ ba là đầu tư tư nhưng sử dụng công. Ví dụ tư nhân đầu tư xây dựng, nhà nước thuê lại hàng năm.
“Hay như mô hình BOT cũng là một nguồn lực. Đầu tư hạ tầng giao thông vận tải như Bộ trưởng Bộ GTVT đã nói, chúng ta đã có kinh nghiệm rồi, phải nhân rộng ra để các địa phương làm…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh về ba mô hình đối tác công tư. Ảnh:TK |
Đột phá mới còn là có trung tâm tài chính để huy động nguồn lực. Trước đây giao cho TP.HCM nhưng hiện nay giao lại cho Bộ KH&ĐT còn TP.HCM phối hợp để làm.
Phải lấy đột phá trong khoa học đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, lập nghiệp, tăng năng suất lao động trở thành xu thế, phong trào. Đột phá trong phát triển giáo dục, y tế phải ngang tầm với sự phát triển kinh tế, chính trị.
Phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Coi việc người dân, doanh nghiệp là việc của nhà mình. Bên cạnh đó là đột phá mới về an sinh xã hội, chăm lo nhà ở cho công nhân ở các khu trung tâm.
Giá trị mới theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn, thu nhập bình quân đầu người cao hơn tương xứng với các khu vực và quốc tế. Giá trị mới là hạ tầng kết nối vùng, kết nối cả nước, quốc tế tốt nhất; khắc phục những vấn đề nhân dân bức xúc trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường…
35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng
Ngày 23/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, chương trình hành động xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường phấn đấu đạt đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm; tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%); tỉ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%.
Nghị quyết số 154 của Chính phủ đề ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Bên cạnh đó, Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ để giúp vùng Đông Nam Bộ phát triển bứt phá, gồm: các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không trong vùng và các dự án trung tâm thông tin, logistics của vùng.
Đồng thời phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư